Thiết lập cơ chế, ngăn ngừa sai phạm để cán bộ yên tâm công tác
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo nghiên cứu xây dựng cơ chế về mặt pháp lý, tạo động lực và niềm tin để đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Ngày 9-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (gọi tắt Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ 5. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Nội chính Thành ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) và ý kiến phát biểu của các thành viên, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hoạt động tích cực, hiệu quả của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong thời gian qua.
Trong đó, đã phối hợp cùng các cơ quan tố tụng cấp thành phố và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó đã tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 2 vụ án, 3 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM, các đơn vị có liên quan tổ chức thành công Hội thảo khoa học về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng thời, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Quy định 1629, nhằm góp phần xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Cùng với đó, tham mưu thành lập và triển khai công tác kiểm tra, giám sát theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.
Trong đó điểm sáng là quá trình triển khai công tác kiểm tra, giám sát bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, đến nay đã giải quyết được hầu hết các hồ sơ giám định, định giá còn tồn đọng theo kết luận của Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan tài sản công tồn đọng, kéo dài đã được khẩn trương giải quyết, góp phần thu hồi nhiều mặt bằng bị chiếm dụng, sử dụng trái phép cho Nhà nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao công tác thông tin trên báo chí thời gian qua, đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đối với các vụ việc mà dư luận quan tâm, không để bị động, bất ngờ.
Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Nghị định số 73 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó là Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng mong muốn các cơ quan báo chí TPHCM nhanh chóng mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời, nhanh chóng đến người dân, góp phần chủ động định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác truyền thông phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực theo quy định, nhất là một số nội dung đã được kết luận tại các phiên họp, cuộc họp. Tăng cường công tác phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thống nhất quan điểm, chủ trương xử lý các vụ án vụ việc; kết thúc các đoàn kiểm tra, giám sát theo kế hoạch.
Đồng thời khẩn trương hoàn tất đề án trong quý 4-2023 nhằm góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai đưa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” đi vào thực tiễn.
Qua đó, xây dựng cơ chế về mặt pháp lý, tạo động lực và niềm tin để đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ công vụ. Thiết lập cơ chế bảo vệ, phát huy thế mạnh và ngăn ngừa sai phạm của cán bộ; mục tiêu hạn chế tối đa sai phạm, tạo sự yên tâm, động viên cán bộ trong công tác.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất hướng xử lý đối với 4 vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo và đưa ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo đối với 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực đã được kết thúc xử lý theo quy định.