Thiết lập đường dây nóng ghi nhận ý kiến và xử lý các thắc mắc khiếu nại liên quan đến thủ tục hành chính

Hôm nay 1/2, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) và Ban Chỉ đạo Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân; các phó chủ tịch UBND tỉnh: Hoàng Nam, Lê Đức Tiến tham dự hội nghị.

Đại diện các sở, ngành, địa phương đã ký cam kết về thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2024 - Ảnh: T.T

Đại diện các sở, ngành, địa phương đã ký cam kết về thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2024 - Ảnh: T.T

Tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,6%

Báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nêu rõ, trong thời gian qua, công tác CCHC được lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ việc xây dựng nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp, tham gia đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan được phân công tham mưu lĩnh vực CCHC.

Tỉnh đã từng bước đầu tư nguồn lực vào những công việc cụ thể, sáng tạo nội dung phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm đẩy mạnh công tác CCHC, hướng tới thu hút đầu tư vào phát triển KT - XH của tỉnh, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Công tác cải cách thể chế từng bước được hoàn thiện, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, nền hành chính đã thực sự theo hướng phục vụ Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm tập trung chỉ đạo, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nề nếp. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành 51 quyết định, công bố 862 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ba cấp chính quyền.

Trong đó, công bố chuẩn hóa, ban hành mới 336 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 455 TTHC; bãi bỏ 71 TTHC. Tích hợp 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 464/537 TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, đạt 86,41%; tỉ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 53,27%. Trong năm, các cơ quan hành chính nhà nước ba cấp đã tiếp nhận 319.021 hồ sơ, đã giải quyết 312.672 hồ sơ, trong đó tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,6%...

Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt trong giải quyết TTHC.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện CCHC tại một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích, hồ sơ toàn trình... trong tỉnh, nhất là cấp huyện, cấp xã có tỉ lệ thấp, chưa đạt yêu cầu theo quy định.

Liên quan đến việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, chỉ số PCI tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 61,26 điểm (giảm 2,07 điểm so với năm 2021); xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành phố (giảm 18 bậc so với năm 2021). Trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì có 4 chỉ số tăng điểm, 6 chỉ số giảm điểm; 4 chỉ số tăng thứ hạng, 1 chỉ số giữ nguyên thứ hạng và 5 chỉ số giảm thứ hạng so với năm 2021.

Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới; Sở Giao thông vận tải chia sẻ kinh nghiệm để đạt được các chỉ số CCHC cao của ngành; Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kết nối chia sẻ dữ liệu số phục vụ người dân và doanh nghiệp; UBND TP. Đông Hà chia sẻ giải pháp tăng cường nhận thức của người dân góp phần nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị một số vấn đề liên quan TTHC...

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: T.T

Gắn công tác CCHC với công tác thi đua, khen thưởng

Theo công bố của Sở Nội vụ về CCHC của các sở, ngành, địa phương năm 2023, số điểm chung của các cơ quan, đơn vị đạt tỉ lệ cao, trung bình cấp sở đạt 90%, cấp huyện đạt 83.94%. Trong đó, chỉ số CCHC của các sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đạt cao, Sở Tài nguyên và Môi trường có chỉ số xếp hạng thấp nhất.

Nhìn chung, các sở, ngành, các huyện đạt điểm ở tốp đầu ngoài công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, thì lĩnh vực cải cách TTHC đạt điểm cao, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn rất thấp, tỉ lệ hồ sơ TTHC dịch vụ công mức độ 3, 4 cao...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, CCHC là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền phục vụ và kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao Chỉ số PCI nói riêng và thu hút đầu tư, phát triển KT - XH nói chung.

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2023, trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng CCHC một cách đồng bộ, thực hiện các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS của tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trên cơ sở các vấn đề tồn tại đã được chỉ ra, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; các sở, ngành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản đang chồng chéo khi triển khai TTHC, ảnh hưởng doanh nghiệp, người dân.

Gắn công tác CCHC với công tác thi đua, khen thưởng, triển khai nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và lấy kết quả thực hiện công tác CCHC là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các đơn vị, địa phương.

Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc kiểm soát TTHC; tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh, nhất là TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt Đề án 06 để tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh thiết lập đường dây nóng ghi nhận ý kiến và xử lý các thắc mắc khiếu nại của người dân, doanh nghiệp liên quan đến TTHC. Công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông kết quả xếp loại CCHC năm 2023 của các sở, ban, ngành, địa phương để người dân và doanh nghiệp theo dõi.

Tại hội nghị, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đã ký cam kết về thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2024.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/thiet-lap-duong-day-nong-ghi-nhan-y-kien-va-xu-ly-cac-thac-mac-khieu-nai-lien-quan-den-thu-tuc-hanh-chinh/183254.htm