Thiết thực đưa Luật An toàn vệ sinh lao động vào cuộc sống

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Song mây Rapexco Hòa Hiệp đóng gói sản phẩm theo đúng quy trình; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: KIM CHI

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có vai trò, ý nghĩa quan trọng không những đối với người lao động, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng gia đình, đến sự phát triển của xã hội.

Ra đời từ năm 2015, Luật ATVSLĐ được đánh giá là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Luật này quy định việc bảo đảm ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ.

Đa dạng thông tin tuyên truyền

Để góp phần đưa Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống, trong thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… đã triển khai nhiều hoạt động. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến luật về ATVSLĐ được đẩy mạnh. Nhiều lớp tập huấn, phổ biến văn bản mới, hướng dẫn triển khai các văn bản hướng dẫn luật được tổ chức, qua đó nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc của doanh nghiệp.

Theo Sở LĐ-TB&XH, một trong những biện pháp quan trọng giúp thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động. Các cơ quan, đoàn thể và ngành chức năng cũng đã chủ động phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cải thiện môi trường làm việc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đã phục hồi các dây chuyền sản xuất, công tác ATVSLĐ cũng đồng thời được kiểm soát sát sao, bao gồm công tác huấn luyện ATVSLĐ.

Tháng hành động về ATVSLĐ là cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác ATVSLĐ. Nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như đối thoại, tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền... đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Tô Đình Trung, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên cho biết: Từ đầu năm 2023, đơn vị đã kiện toàn bộ máy ATVSLĐ; triển khai kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ; tổ chức đánh giá rủi ro và biện pháp ATVSLĐ; huấn luyện định kỳ ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho toàn thể cán bộ và người lao động. Đơn vị cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; huấn luyện vệ sinh cách điện hotline cho công nhân kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, đơn vị cũng đa dạng hóa các kênh thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức như đối thoại chính sách pháp luật, thi an toàn vệ sinh viên giỏi, hỏi đáp, treo băng rôn, phát tờ rơi… Các quy định pháp luật về ATVSLĐ được hướng dẫn tương đối đầy đủ tới người lao động và người sử dụng lao động. Tỉnh đã tổ chức huấn luyện, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn OSHAS 18000 cho các đối tượng là chủ sử dụng lao động và cán bộ phụ trách ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, người lao động không có quan hệ hợp đồng lao động làm những nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong khu vực phi kết cấu thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh…

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Veston (Công ty CP An Hưng) được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Ảnh: KIM CHI

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Veston (Công ty CP An Hưng) được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Ảnh: KIM CHI

Áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Với các hoạt động phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, nhận thức và hiểu biết về công tác ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động dần nâng cao. Vai trò người lao động trong công tác ATVSLĐ được phát huy đã góp phần hạn chế và giảm thiệt hại do tai nạn lao động. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật do chính người lao động đưa ra đã góp phần giải quyết ngay những vấn đề trong hạn chế nguy cơ rủi ro dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.

Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, chia sẻ: Trong tháng ATVSLĐ vừa qua, cùng với tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, công ty còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tập huấn công tác ATVSLĐ cho công nhân lao động trực tiếp và tham gia ngày hội chuyển đổi số do UBND TP Tuy Hòa tổ chức.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ từ tỉnh đến cơ sở cũng đã được triển khai tích cực, qua đó đề xuất nhiều kiến nghị để các doanh nghiệp khắc phục sai phạm, làm tốt hơn công tác ATVSLĐ.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH, quá trình thanh kiểm tra công tác ATVSLĐ cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động như: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ cho người lao động. Máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất...

Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan của người lao động trong việc vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân… “Do đó, để đảm bảo ATVSLĐ, chúng tôi luôn nhắc nhở các doanh nghiệp kiểm định máy, thiết bị, vật tư... có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật”, ông Linh cho biết.

Còn theo ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để góp phần đưa Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống thực chất, hiệu quả hơn, các địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về luật này phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Đồng thời, để thực hiện tốt Luật ATVSLĐ và Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về ATVSLĐ. Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động. Hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn lao động.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299727/thiet-thuc-dua-luat-an-toan-ve-sinh-lao-dong-vao-cuoc-song.html