Thiết thực hội thi nghề công tác xã hội
Tiểu phẩm “Những trái tim nóng” của đơn vị Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: KIM CHI
Sở LĐ-TB-XH vừa tổ chức hội thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội (TGXH), phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) tỉnh. Đây là hoạt động nhằm giúp cán bộ làm công tác TGXH các cấp nắm vững kiến thức về nghề CTXH; trao đổi, học tập kinh nghiệm, phương pháp, các kỹ năng xử lý tình huống để vận dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có 9 đội tham gia hội thi gồm: Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đông Hòa, Tuy Hòa, Phòng CTXH (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội - Cơ sở cai nghiện may túy và TGXH tỉnh với hơn 60 thí sinh là các cộng tác viên CTXH xã, phường, thị trấn, cán bộ công tác ngành LĐ-TB-XH từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm
Các thí sinh trải qua 4 phần thi, gồm: chào hỏi, kiến thức, xử lý tình huống và kỹ năng CTXH. Các phần thi đều được các đội trình diễn dưới hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm với nhiều thể loại: kịch nói, bài chòi, cải lương, dân ca… thể hiện rõ công tác TGXH, kỹ năng CTXH mà cộng tác viên CTXH thực hiện thường xuyên ở đơn vị, địa phương mình. Ở các phần thi, đa số thí sinh tham gia dự thi đều đầu tư nghiêm túc, thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm của nhân viên CTXH.
Phần thi chào hỏi, các tiết mục dự thi được đầu tư kỹ lưỡng, giới thiệu các phần việc của đơn vị mình đối với nghề CTXH và TGXH. Trong đó, tiết mục “Chuyến chuyên cơ vòng quanh phố núi” của đơn vị Sơn Hòa đã xuất sắc vượt qua các đội để đạt giải Màn chào hỏi hay nhất hội thi.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa, cho biết: “Toàn đội đã tập luyện rất hăng say để tham gia tranh tài cùng các đội bạn. Ở phần thi chào hỏi “Chuyến chuyên cơ vòng quanh phố núi”, chúng tôi muốn giới thiệu về phong cảnh, tiềm năng, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương, qua đó giúp cho mọi người biết đến huyện Sơn Hòa nhiều hơn”.
Phần thi thu hút sự chăm chú theo dõi của khán giả là cộng tác viên CTXH. Ở phần thi này, các đội đều lựa chọn xử lý tình huống bằng hình thức sân khấu hóa với những tiểu phẩm có nội dung dự thi sát thực tế, xảy ra ở thôn, buôn, khu phố mà nhân viên CTXH trực tiếp giải quyết vấn đề cho người dân. Tiểu phẩm “Những trái tim nóng” của đội Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mở đầu cho phần thi này đã chạm đến trái tim nhiều khán giả.
Nội dung tiểu phẩm là người nhà bệnh nhân (cơ thể cũng đang mang bệnh) đến nhà riêng của bác sĩ để gửi “phong bì”, nhờ tận tình chữa trị cho con gái của họ đang nằm viện. Bác sĩ từ chối nhận “phong bì” và hứa sẽ hết lòng hết sức để cứu chữa bệnh nhân. Thế nhưng, sau đó, tại bệnh viện, bệnh nhân lại đòi xuất viện với lý do, người cha đã mất. Bàng hoàng, đau buồn, vị bác sĩ quay về nhà, tâm sự với người vợ.
Ngờ đâu, khi người cha đưa “phong bì”, vị bác sĩ không nhận nhưng chính người vợ của bác sĩ đó đã nhận... “Tác phẩm nói đến thái độ ứng xử của y bác sĩ đối với những bệnh nhân nghèo; những việc làm giúp cho người nghèo vơi đi khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống và mặt trái của vấn đề chính là khi nhiều người muốn giúp đỡ, thì đâu đó vẫn còn những người vì thấy cái lợi trước mắt mà quên đi những người xung quanh mình đang sống khổ sở, từng giây từng phút giành lại sự sống mong manh...”, anh Nguyễn Thế Vũ, một khán giả nhận xét.
Chị Bùi Thúy An thành viên đội TP Tuy Hòa, nói: “Tôi rất vui khi được cùng các đồng nghiệp tham gia hội thi lần này. Đến với hội thi, tôi học hỏi rất nhiều kiến thức về nghiệp vụ CTXH và kỹ năng xử lý tình huống từ đồng nghiệp. Từ kinh nghiệm, kiến thức học được, tôi sẽ cùng với tập thể làm tốt hơn vai trò của nhân viên CTXH”.
Tiểu phẩm “Mình sẽ làm được” của đội liên quân Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội - Cơ sở cai nghiện ma túy và TGXH tỉnh cho thấy nghị lực của bản thân người nghiện ma túy cũng như sự trợ giúp nhiệt tình của nhân viên CTXH khi thuyết phục, giúp đỡ những người nghiện cai nghiện thành công.
Còn những tiểu phẩm như: “Ghen” của đội Tây Hòa, “Đứa con tội nghiệp” của Đông Hòa, “Khi niềm tin trở lại” của Tuy An, “Niềm vui của cô Phương” của Sông Hinh, “Tìm lại hạnh phúc” của Tuy Hòa… cũng đã mang đến những thông điệp ý nghĩa về những vấn đề xã hội và cách giải quyết vấn đề, can thiệp của nhân viên CTXH giúp họ vươn lên, làm lại cuộc đời.
Nắm vững kiến thức nghề
Chị Nay Hờ Thư đến từ huyện Sông Hinh, chia sẻ: “Hội thi đã giúp tôi nắm chắc hơn nghiệp vụ CTXH. Và điều khiến tôi tâm đắc nhất là những câu hỏi ở phần thi kỹ năng xử lý tình huống được ban tổ chức đưa ra rất sát thực tế ở cơ sở, đặc biệt là những tình huống liên quan đến công tác tuyên truyền, chính sách về CTXH dành cho đối tượng yếu thế”.
Theo ông Phan Văn Ân, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh, hiện nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nhân viên, cộng tác viên CTXH. Họ là lực lượng nòng cốt ở địa phương và nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng bảo trợ xã hội; tham vấn, tư vấn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quyền lợi của các đối tượng. “Đến với hội thi, anh chị em rất vui mừng vì được giao lưu cùng các đồng nghiệp. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến CTXH để chúng tôi có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau”, ông Ân nói.
Hội thi nhằm giúp cho cán bộ làm công tác TGXH từ cấp tỉnh đến cấp xã nắm vững kiến thức về nghề CTXH; trao đổi, học tập kinh nghiệm, phương pháp, các kỹ năng xử lý tình huống để vận dụng hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Hội thi nhằm giúp cho cán bộ làm công tác TGXH từ cấp tỉnh đến cấp xã nắm vững kiến thức về nghề CTXH; trao đổi, học tập kinh nghiệm, phương pháp, các kỹ năng xử lý tình huống để vận dụng hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương.
Qua đó góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nghề CTXH. Xác định đây là hội thi mang tính nghiệp vụ, nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật về nghề CTXH, về hoạt động TGXH, ban tổ chức hội thi đánh giá rất cao sự tham gia của các đội với tinh thần nghiêm túc, đầu tư về chiều sâu và nâng cao ý thức, nhận thức nghề nghiệp ngày càng vững vàng hơn. Để một lần nữa góp thêm tiếng nói, củng cố niềm tin và khẳng định với xã hội: Nghề CTXH là một nghề nhân văn và cao quý.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/247982/thiet-thuc-hoi-thi-nghe-cong-tac-xa-hoi.html