Thiết thực những việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Bài 3 - Lan tỏa những việc tử tế, những mô hình hiệu quả (HBĐT) - 'Mời cô, bác lấy cơm. Cô, bác ăn ngon miệng ạ!'. Đều đặn từ năm 2016 đến nay, cứ thứ hai hàng tuần, dù mưa bão lớn hay nắng nóng đỉnh điểm, những câu nói đong đầy yêu thương, sẻ chia từ tâm của các thành viên câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Áo xanh lại vang lên tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Trung tâm Y tế TP Hòa Bình. Ngoài ra, CLB còn phát quần áo, giày dép, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện dành cho những người yếu thế.
Làm việc tử tế từ tâm
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Áo xanh (TP Hòa Bình) về những việc làm thiết thực, bền bỉ vì những người hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, neo đơn... Chị bộc bạch: Có hôm nắng rát đến 400C, hôm lại mưa bão ngập lụt nhưng chúng tôi vẫn tập hợp nhau tự đi chợ từ lúc sáng sớm, về nấu rồi mang những suất cơm nóng đến tận tay người khó khăn. Có thành viên cũng chẳng khá giả gì, vẫn đi ở nhà thuê, làm đủ các nghề trong xã hội nhưng trong họ có một trái tim nhân ái, biết chia sẻ với những người yếu thế hơn mình. Chung tay cùng CLB mang niềm vui đến người hoàn cảnh khó khăn để có thêm nhiều hơn các ngôi nhà nhân ái, nhiều hơn trẻ em vùng cao được tiếp sức đến trường, bớt đi những giọt nước mắt và góp phần động viên những bệnh nhân, người hoạn nạn vươn lên. Xóm Khú, xã Thượng Tiến (Kim Bôi); xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) hay các xóm, xã vùng sâu, xa khác đều in dấu chân thành viên CLB. Nhân ái, minh bạch, tâm sáng... với phương châm đó, từ 5 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có 150 thành viên cứng và nhiều người khác đóng góp công sức, tiền.
Cùng với CLB thiện nguyện Áo xanh, nhiều tổ chức thiện nguyện khác cũng có sự bền bỉ trong hoạt động như Nhóm áo đỏ (TP Hòa Bình), CLB thiện nguyện Vì trái tim trẻ thơ (Yên Thủy), CLB Vòng tay nhân ái (Lạc Sơn)... Hoạt động của các nhóm, CLB đa dạng từ tặng quà, trao học bổng, phát cơm, cháo, quần áo, hỗ trợ xây nhà đến tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Tết trung thu cho trẻ em vùng cao...
Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã đã có nhiều mô hình tình nghĩa, thiết thực. Ban CHQS huyện Kim Bôi nhận đỡ đầu 13 học sinh nghèo hiếu học. Công an huyện Lạc Sơn tiết kiệm 2 bữa sáng/tháng dành tiền mua 6 con bò giống tặng cho các hộ nghèo. Hội Phụ nữ huyện Lương Sơn ngoài mô hình "Hũ gạo tiết kiệm” còn gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng "Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật... Đảng viên, cán bộ, công chức Đảng bộ xã Hưng Thi (Lạc Thủy) quyên góp mua xe đạp cho học sinh nghèo, mua máy lọc nước cho các điểm trường. Bộ CHQS tỉnh có mô hình "Đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó”, "Đồng hành cùng các em đến trường”...
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đội ngũ cán bộ trẻ cũng đã ý thức nhiều hơn đến hoạt động thiện nguyện, trách nhiệm xã hội, nhất là mỗi khi không may xảy ra thiên tai, sự cố, tinh thần ấy lại càng được sáng rõ. Đồng chí Vương Thị Huyền, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh cho biết: Đoàn Khối luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho ĐV-TN theo tấm gương Bác Hồ. Trong đó có trách nhiệm của tuổi trẻ với xã hội, đặc biệt là những người yếu thế, nơi khó khăn, hoạn nạn, gia đình có công với cách mạng. Còn nhớ đợt lũ lịch sử cách đây gần 2 năm, Đà Bắc là huyện thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi nắm được thông tin, Đoàn Khối đã vận động quyên góp và ngay lập tức 17 đoàn viên xung kích với "trái tim thắp lửa” đi đường sông lên xã Suối Nánh, Đồng Nghê. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", những thực phẩm được đưa đến kịp thời khi đường bộ còn bị cô lập làm ấm lòng đồng bào. Hiện nay, các cơ sở Đoàn trong Khối đang thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện như thăm hỏi, tặng quà cho gia đình có công với cách mạng; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở vùng sâu, xa; xây dựng sân khấu, sân chơi và các công trình công cộng ở vùng khó khăn...
Học Bác Hồ lòng nhân ái bao la, nhiều tổ chức, cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo, tự nguyện làm những việc tử tế. Hoạt động này đang được nhân rộng trong xã hội. Tiêu biểu như cô giáo Nguyễn Thị Thu Dung, Nguyễn Thị Ái Len, trường PTDTNT huyện Cao Phong nhận đỡ đầu 18 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số tiền và vật chất giúp đỡ trên 12 triệu đồng. Các cô còn giúp đỡ 4 học sinh chưa ngoan cuối năm đạt học sinh tiến tiến, khá về học tập và đạo đức... Thầy Hà Văn Quyết, Hiệu trưởng trường TH&THCS Tân Dân (Mai Châu) ngày là giáo viên, đêm là "ngư phủ” kéo cá trên hồ sông Đà làm thực phẩm cải thiện bữa ăn cho học sinh. Đảng viên Nguyễn Văn Huỳnh, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) 16 lần hiến máu cứu người. Chị Vì Thị Thuận ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tận tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Em Vũ Hồng Anh, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) giúp bạn Nguyễn Quang Sơn là học sinh khuyết tật bị liệt 2 chân từ nhỏ đến trường...
Lan tỏa những tấm gương, những mô hình hiệu quả
Cùng với tấm lòng nhân ái, những tấm gương, mô hình hiệu quả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Gắn học và làm theo Bác với xây dựng nông thôn mới, ngoài những tấm gương hiến đất làm công trình phúc lợi đã xuất hiện mô hình các hợp tác xã hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vật tư, bao tiêu sản phẩm. Có thể kể đến Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ xóm Mòng ở huyện Lương Sơn; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ ở TP Hòa Bình; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sào Báy ở huyện Kim Bôi...
Các mô hình khác trong học và làm theo Bác cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là mô hình "Tiếng kẻng vây bắt tội phạm" tại xã Tân Thành (Lương Sơn). Mô hình "Làng không có con em bỏ học" tại xóm Bon, xã Tân Pheo (Đà Bắc). Cán bộ và nhân dân tiểu khu II, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) với mô hình "Xây dựng khu dân cư đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp”. Ban CHQS huyện Cao Phong với mô hình "Xây dựng làng, bản văn hóa quốc phòng”, "Tự soi, tự sửa”. Mô hình "Hoạt động đoàn liên tịch” của Đoàn Thanh niên xã Bắc Phong (Cao Phong). Huyện Tân Lạc có mô hình đoạn đường nở hoa, hàng rào xanh. Mô hình sáng kiến "Thiết kế điển hình cho trạm biến áp phân phối và dây sau công tơ theo từng khu vực” ở Công ty Điện lực Hòa Bình...
Đối với cá nhân có mô hình làm kinh tế giỏi của chị Bùi Thị Thanh, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy). Không chỉ làm giàu chính đáng ở quê hương, chị còn giúp 4 hội viên phụ nữ trong xóm vay vốn không lấy lãi 10 triệu đồng/người để phát triển kinh tế. Đồng chí Trần Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ xóm Nam Hòa 2, Đảng bộ xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ tiền xây nhà văn hóa và khuôn viên xung quanh, mắc đèn đường chiếu sáng đường quê ở địa phương trị giá trên 800 triệu đồng. Anh Vì Văn Nhã, xóm Lầu, xã Mai Hạ (Mai Châu) sản xuất kinh doanh dịch vụ hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 hội viên nông dân. Bà Lê Thị Luyến, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) vừa làm giàu chính đáng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 - 10 lao động, vừa hỗ trợ xây nhà ăn, tặng đồ dùng cho trường tiểu học trị giá trên 130 triệu đồng. Đại úy Mai Xuân Trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) giữ vững phẩm chất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập nâng cao nghiệp vụ. Đồng chí đã trực tiếp tham gia bắt giữ 2 tử tù trốn khỏi Trại giam T16 và tham gia phá thành công nhiều chuyên án ma túy... Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.700 mô hình, điển hình về học tập và làm theo gương Bác. Đây là những bông hoa đẹp tỏa hương trong vườn hoa dâng Bác.
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tác động tích cực đến nhận thức và hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Từ đó, xuất hiện những mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần xây dựng nhân cách, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, dẹp cái xấu. Việc học và làm theo Bác cũng góp phần ngăn ngừa suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của năm và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Hiện nay, các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05. Đó là tình trạng có nơi còn thực hiện theo phong trào, chưa thường xuyên, liên tục, mang tính hình thức; nhất là việc vẫn còn những biểu hiện thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên trong công tác và đời sống, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chỉ thị, đến niềm tin của quần chúng nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời, tiếp tục nghiêm túc thực hiện chuyên đề năm 2019 "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và khâu đột phá đã được BTV Tỉnh ủy xác định. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình có mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nối trong 50 năm qua.