Thiếu chế biến sâu: Nông sản Việt sẽ mất lợi thế
Việt Nam đã được định vị là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, vì thiếu công nghệ và hạ tầng chế biến sâu nên dù đơn hàng có tăng nhưng doanh nghiệp rất khó khăn đáp ứng.
Chế biến sâu thấp
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, vào cuối năm 2023, nhà bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ là Walmart mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam cho các lĩnh vực là quần áo và phụ kiện, giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng; đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng. Nhiều tập đoàn khác như Amazon, AES Hoa Kỳ, Carrefour... cũng tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Thế nhưng, tận dụng được những cơ hội đó không phải dễ.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, từ đầu năm 2024 đến nay, công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng từ thị trường Trung Quốc cho sản phẩm nước trái cây đóng chai. Tuy nhiên, để đưa hàng vào thị trường này, trước hết công nghệ sản xuất phải tự động hóa, sản phẩm của công ty phải được nghiên cứu và đổi mới liên tục. Quan trọng hơn, giá thành phải cạnh tranh, điều này rất khó trong bối cảnh chi phí logistics tăng mạnh khoảng 10-15 lần so với cùng kỳ năm trước. Do đó, dù đơn hàng năm nay tăng nhưng doanh nghiệp cũng không dễ đáp ứng.
Cùng chung nhận xét, bà Nguyễn Thị Bích Sơn, Giám đốc nhãn hàng Công ty CP Richy, chia sẻ, Việt Nam có lợi thế nông sản đa dạng, chu kỳ canh tác ngắn nên sản lượng dồi dào, nhưng công ty chỉ sử dụng một phần rất nhỏ nguyên liệu trong nước, chủ yếu là gạo, dừa… cho những sản phẩm thuần Việt; còn lại phần lớn nguyên liệu sản xuất vẫn phải nhập khẩu từ châu Âu để sản xuất, cung ứng cho nhiều thị trường xuất khẩu. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập mà chưa tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã đẩy giá thành sản phẩm cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh, nhưng công ty không có lựa chọn vì trong nước không có.
Thống kê gần nhất của Bộ NN-PTNT, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản. Trong đó, có 614 cơ sở giết mổ tập trung; hơn 5.000 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản; hơn 3.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật; gần 4.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn...
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp còn gặp khó do năng lực sản xuất hạn chế, tỷ lệ chế biến sâu chưa cao. Chỉ tính riêng ngành chế biến thủy sản, cả nước có gần 4.500 cơ sở, nhưng chỉ hơn 850 cơ sở có quy mô sản xuất gắn với xuất khẩu.
Thiếu công nghệ lẫn hạ tầng
Một trong những nguyên do chế biến sâu thấp bởi hạ tầng logistics, mà chủ yếu là hệ thống kho lạnh phục vụ cho công tác sau thu hoạch, còn thiếu và yếu. Hiện hệ thống kho lạnh trên cả nước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nên đã buộc người nuôi trồng phải bán nguyên liệu thô để giải tỏa lượng hàng tồn đọng khi nông sản vào vụ thu hoạch.
Không chỉ vậy, để có thể chế biến sâu và xuất khẩu thì yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đảm bảo đạt chuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ khoảng 15% sản phẩm chủ lực xuất khẩu Việt Nam duy trì ổn định kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi. Điều này xuất phát từ thực tế là công nghệ chiếu xạ tại Việt Nam vừa yếu và thiếu. Tính trên cả nước, hiện chỉ có số ít các công ty có công nghệ này, không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi chế biến sâu của doanh nghiệp khó khăn thì thị phần này đang bị nhà đầu tư nước ngoài “thôn tính”. Dẫn chứng từ thực tế, ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXTM DV chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc, cho biết, đàn bò nuôi và chế biến của công ty đã giảm số lượng xuống hơn 70% so với các năm trước và có nguy cơ không thể tồn tại. Nguyên do là lượng bò nhập khẩu tăng mạnh, hơn nữa sự ồ ạt đầu tư của các doanh nghiệp ngoại với nội lực vốn mạnh, quy mô đầu tư nhà máy chế biến, trang trại chăn nuôi lớn, khiến doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được...
Theo Tổng cục thống kê, chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
“Chỉ tính trong 5 năm lại đây, có 76 dự án lớn về chế biến nông sản với số vốn đầu tư FDI trên 73.000 tỷ đồng đã xây dựng và đưa vào hoạt động sản xuất với dây chuyền lắp đặt hiện đại. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm đầu tư và xu hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản rất tiềm năng nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt”, một lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, để thúc đẩy chế biến sâu, trước hết, về phía doanh nghiệp phải tự xây dựng chiến lược và chủ động chuyển đổi công nghệ sản xuất vốn đã lạc hậu. Về phía cơ quan chức năng, cần có chính sách hỗ trợ vốn phù hợp, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhanh chóng đưa vào sản xuất.
Cùng với đó, rà soát, chọn lọc lại thu hút đầu tư doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đảm bảo bổ trợ cho những thiếu hụt trong chuỗi chế biến sâu của doanh nghiệp và hạn chế cạnh tranh đối kháng với doanh nghiệp nội. Đặc biệt phải có chính sách ưu đãi đặc thù riêng bao gồm chính sách thuế, phí, hạ tầng công nghệ thông tin… để thu hút nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chiếu xạ, chế biến nguyên liệu tinh, chất phụ gia, hệ thống logistics...
8 tháng, nông sản xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản, thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thieu-che-bien-sau-nong-san-viet-se-mat-loi-the-post759433.html