Thiếu cơ chế quản lý, thuốc lá điện tử 'chợ đen' làm loạn thị trường
Với việc gia tăng tình trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới (thuốc điện tử, thuốc làm nóng), việc đưa ra khung khổ pháp lý quản lý chặt chẽ cần được thực hiện ngay, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm có chất lượng…
Hệ lụy từ khoảng trống pháp lý
Tại tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” ngày 18/8 tại Hà Nội, TS, bác sĩ Nguyễn Hải Công - Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thống kê mới nhất cho thấy, gần 16 triệu người Việt Nam sử dụng thường xuyên sử dụng sản phẩm liên quan đến thuốc lá.
Trong khi đó, tất cả các sản phẩm thuốc lá, dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đều có hại cho sức khỏe, gây tổn thương hệ thần kinh của người dùng trong ngắn hạn và dài hạn. Đáng chú ý, mấy năm trở lại đây nổi lên xu hướng sử dụng TLTHM, trong đó tập trung nhiều vào lứa tuổi học đường.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay việc sử dụng nhóm sản phẩm TLTHM đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu các cơ chế quản lý đối với loại sản phẩm này, từ đó tạo “khoảng trống” cho thị trường chợ đen phát triển, dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài khó khắc phục.
“Sự xuất hiện của TLTHM đã thay đổi cục diện thị trường thuốc lá tại Việt Nam. Tất các sản phẩm này đều nhập lậu hoặc xách tay do thiếu khung pháp lý để kiểm soát. Thực tế trên cho thấy, sự xuất hiện của các sản phẩm TLTHM đang đặt ra những thách thức mới đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý và kiểm soát”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) chia sẻ, theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012, thuốc lá được định nghĩa theo hướng mở. Tức là bao gồm thuốc lá truyền thống được làm từ cây thuốc lá. Ngoài ra, khái niệm thuốc lá trong luật cũng bao gồm các nguyên liệu thay thế khác và được chế biến dưới dạng khác.
“Như vậy, tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng có khoảng trống pháp lý đối với TLTHM. Trước khi có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã có Nghị định 67 quy định về sản xuất và kinh doanh thuốc lá. Nghị định này chủ yếu tập trung vào quy định sản xuất, kinh doanh thuốc lá truyền thống, vì khi đó chưa có TLTHM nên chưa có quy định đối với TLTHM”, ông Hải nêu.
Dù vậy, vị này cho biết, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ban hành từ năm 2012. Đến nay hệ thống pháp luật cũng như công nghệ, sản phẩm đã có nhiều thay đổi. Cần có những quy định mới phù hợp với tình hình thực tế.
Nhanh chóng đưa ra khung khổ pháp lý
Từ thực trạng nhu cầu người tiêu dùng và tình trạng nhập lậu TLTHM, tại tọa đàm các chuyên gia đều nhận định cần phải có quy định pháp luật rõ ràng đối với thuốc lá thế hệ mới, tránh tình trạng khoảng trống pháp lý như hiện nay.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đã đến lúc Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương phải có tổng kết đánh giá việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Cần thiết có thể kiến nghị Quốc hội sửa đổi, có chế tài xử lý, đặc biệt quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Khi đó sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm vì sản phẩm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng mới được lưu hành.
“Chúng ta hoàn toàn có thể căn cứ vào các quy định trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Đầu tư để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 đưa chính thức TLTHM vào trong luật, coi là sản phẩm kinh doanh có điều kiện để quản lý. Và khi là sản phẩm chính thống, mặt hàng này sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
TS, bác sỹ Công cho rằng, các nhà làm luật nên sớm ngồi lại với nhau để đưa ra chính sách quản lý tốt hơn. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức khỏe.
Trước khi tiến hành thí điểm nào đó đối với các sản phẩm có hại sức khỏe phải xây dựng chính sách, thực thi các biện pháp truyền thông, giáo dục. Nếu không chúng ta vô tình sẽ tạo ra một thế hệ, đặc biệt là giới trẻ, mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.
“Khoảng trống pháp lý với TLTHM hiện nay gây ra nhiều hệ lụy xã hội như không bảo đảm chất lượng sản phẩm, gây rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, không bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, thất thu ngân sách nhà nước”, BS Công nhìn nhận.
Đứng từ góc độ môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn tin rằng chính sách quản lý hiệu quả, toàn diện với TLTHM sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu như hiện nay đảm bảo được lợi ích của không chỉ của doanh nghiệp mà của cả cộng đồng.
“Với thực trạng sử dụng TLTHM như hiện nay thì việc đưa ra khung khổ pháp lý cho sản phẩm này cần được thực hiện ngay, không nên tiếp tục kéo dài tình trạng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không được quản lý”, ông Tuấn kiến nghị.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, khung pháp lý toàn diện cần đồng bộ, bao trùm từ việc quy định tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, các quy định về kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo, khuyến mại cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.