Thiếu công khai thu chi ngân sách dễ dẫn đến tham nhũng lãng phí

Một số cơ quan Trung ương, Bộ ngành, liên tiếp trong nhiều năm không công khai thu chi ngân sách, thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong việc quản lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng lãng phí.

Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương năm 2021 (MOBI 2021) cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các đơn vị này dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Các Bộ, cơ quan Trung ương vẫn thực hiện công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định và có đến 14 Bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Chuyên gia tài chính công, Đại diện nhóm nghiên cứu MOBI, điều kỳ lạ là có tới 9 Bộ và cơ quan Trung ương không có tên trong bộ chỉ số công khai ngân sách, có nghĩa là không có bất kỳ thông tin gì. Trong khi các Bộ, cơ quan Trung ương chi tiêu hơn 50% ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn chịu sự phê duyệt, quản lý dự toán ngân sách cũng như báo đánh giá giám sát trước Quốc hội.

Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. (Ảnh chụp màn hình)

Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. (Ảnh chụp màn hình)

Điểm đáng chú ý khác là một số đơn vị trước đây chỉ số công khai ngân sách làm rất tốt, nhưng trong năm 2021 chỉ số này lại giảm đi. Theo ông Cường đây là sự thể hiện việc không duy trì được thứ hạng, trong khi chỉ số công khai ngân sách tại các địa phương, các tỉnh làm tốt đều duy trì được thứ hạng của mình.

“Đơn cử như vị có nguồn thu rất lớn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nơi cán bộ công nhân viên chức đều phải đóng Công đoàn phí, nhưng đơn vị này không hề có bất kỳ thông tin nào về việc thu và sử dụng loại phí đó như thế nào, trong khi lẽ ra phải công khai số liệu để Quốc hội và người dân giám sát”, ông Cường dẫn chứng.

Việc có nhiều đơn vị liên tiếp trong nhiều năm không công khai bất cứ thông tin gì về ngân sách đã thể hiện sự không nghiêm minh trong việc quản lý và sử dụng ngân sách. Ông Cường cho rằng, điều này cho thấy sự thiếu quan tâm của các lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng tham nhũng lãng phí.

Do đó, ông Cường lưu ý, việc công khai ngân sách là yêu cầu bắt buộc nên các Bộ, ngành cần phải chú ý. Khi công khai yêu cầu không chỉ đầy đủ mà cần đầy đủ, kịp thời và liên tục, tránh công khai nhưng không đầy đủ, chỉ có dự toán mà không có quyết toán, không có quá trình thực hiện dẫn đến thiếu bằng chứng công khai.

“Khó khăn hiện nay là Luật Ngân sách không yêu cầu chế tài xử lý các đơn vị không công khai ngân sách, tuy nhiên trong thẩm quyền phân bổ và phê duyệt, thẩm tra đánh giá quá trình chấp hành ngân sách, Quốc hội có đầy đủ công cụ để thúc đẩy quá trình này theo quy định của Luật Ngân sách”, ông Cường nêu rõ.

Cho rằng quá trình đánh giá Chỉ số MOBI cần phải sâu sát hơn nữa, TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Quốc hội khóa XIV đề xuất Nhóm nghiên cứu cần phải có những tác động cụ thể hơn tới lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương trong đề nghị cung cấp thông tin, số liệu văn bản tại những thời điểm thích hợp.

“Những con số công khai về dự toán bao giờ cũng nhiều hơn con số quyết toán. Phải chăng con số quyết toán là khác vì phải “soi” vào cả một quá trình từ khâu dự toán có chính xác hay không, đến điều hành quản lý thu chi như thế nào cũng như công tác kiểm tra, kiểm toán… Những dữ liệu này cần rõ ràng minh bạch mới phản ánh được bức tranh toàn cảnh về chất lượng quản lý tài chính NSNN của từng Bộ và cơ quan Trung ương”, TS. Bùi Đặng Dũng nêu rõ.

TS. Bùi Đặng Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Quốc hội khóa XIV tư vấn phương pháp tiếp cận chỉ số công khai ngân sách.

TS. Bùi Đặng Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Quốc hội khóa XIV tư vấn phương pháp tiếp cận chỉ số công khai ngân sách.

Nhận thấy cơ chế cung cấp thông tin thường bị chậm, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đề xuất Nhóm nghiên cứu cần có cơ chế nhắc việc khi đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cung cấp số liệu. Ngoài ra, cũng nên tìm kiếm sự đồng bộ số liệu giữa việc công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương với công khai ngân sách các địa phương.

“Nếu như từ tháng 10 năm trước khi chuẩn bị ngân sách cho năm sau, Nhóm nên lấy ngay số liệu đó để bắt đầu công khai để tạo ra một hệ sinh thái tự động về chỉ số công khai ngân sách. Tất nhiên cũng cần có cơ chế giám sát quá trình đánh giá này để khẳng định đây là liệu trình khách quan, không mang tính thiên vị. Những đánh giá này chỉ phục vụ mục tiêu hoàn thiện cho sự phát triển, hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nêu rõ.

Chưa hài lòng với chỉ số MOBI 2021, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, việc công bố Chỉ số công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương đặt ra vấn đề với những người đứng đầu cơ quan Bộ, cơ quan Trung ương trong việc hiểu và có trách nhiệm với việc công khai ngân sách, để từ đó chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc công khai minh bạch, thuận lợi trong quá trình tìm kiếm thông tin. “Nếu cứ để tiếp tục tình trạng này sẽ rất dễ dẫn đến câu chuyện dù đã có công khai nhưng để tìm được thông tin cũng không hề dễ”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thieu-cong-khai-thu-chi-ngan-sach-de-dan-den-tham-nhung-lang-phi-post978151.vov