Thiếu điểm đỗ xe ở Hà Nội - Bài 1: Chật vật chỗ gửi xe bệnh viện
Khan hiếm điểm gửi, đỗ xe trở thành vấn đề ngày càng nhức nhối trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt trong khu vực nội đô, một số khu đô thị và bệnh viện…
Tình trạng này không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Bài 1: Chật vật chỗ gửi xe bệnh viện
Tình trạng quá tải, thiếu chỗ gửi, đỗ xe luôn là vấn đề nóng, gây nhức nhối trong cộng đồng dân cư nhiều năm nay.
Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên tại một số khu đô thị và bệnh viện lớn người dân chật vật tìm chỗ gửi xe, phải tìm đến gửi ở các bãi tự phát hoặc đỗ trên vỉa hè, lòng đường.
Điệp khúc “hết chỗ”
Mới đầu giờ sáng mà điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội trên phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội đã không còn một chỗ trống.
Con phố này tập trung nhiều bệnh viện lớn: Bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai, Lão Khoa Trung ương, Da Liễu Trung ương, hàng ngày người dân đến khám chữa bệnh rất đông nên nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn. Do diện tích trông giữ xe có hạn nên các bãi trông giữ xe ở các bệnh viện này thường xuyên quá tải.
Hai ngày đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe tổng quát nhưng chị Tuyết ở phường Hoàng Liệt đành lủi thủi ra về, không phải vì tình trạng quá tải trong phòng khám mà chị không thể tìm được chỗ gửi xe do các bãi trông giữ xe hết chỗ.
“Theo nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đứng ở đầu cổng hướng dẫn, tôi vòng sang các bệnh viện lân cận nhưng đúng lúc các bãi xe này cũng trong tình trạng tương tự. Vào các khu dân cư lân cận cũng không tìm được chỗ gửi xe. Thời tiết thì nắng nóng, oi bức, ngột ngạt, không đủ kiên nhẫn tôi đành gác việc khám bệnh lại lần sau”, chị Tuyết chia sẻ.
Do thiếu chỗ gửi xe trầm trọng nên Bệnh viện Bạch Mai phải thường xuyên trưng biển “Hết chỗ, đề nghị quý khách gửi xe tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng”, ngay cả khi đang nhận xe nhằm hạn chế dòng xe đổ về đây.
Ông Phạm Trọng Khuyến, nhân viên hướng dẫn tại cổng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng hết chỗ để xe ngày nào chẳng xảy ra. Khi Bệnh viện Bạch Mai hết chỗ gửi xe, người ta thường sang gửi ở Bệnh viện Da Liễu, Lão Khoa bên cạnh. Tình trạng hết chỗ gửi xe thường diễn ra vào buổi sáng còn buổi chiều thì đỡ hơn.
Theo chị Lê Thanh Hoa, 41 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, mấy lần chị vào viện cũng không còn chỗ để xe nên phải đi gửi chỗ khác. “Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai rất đông nên hết chỗ gửi xe cũng không có gì là lạ”, chị Hoa nói.
Tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương tình trạng này lại diễn ra theo cách khác, hầu hết vỉa hè ở đây đều được trưng dụng làm nơi gửi xe máy, ô tô. Ở cổng vào trên đường Triệu Quốc Đạt, tất cả vỉa hè “chật cứng” xe máy, xe đạp. Vốn là chỗ dành cho người đi bộ nhưng vỉa hè ở hai bên mặt đường này đều trở thành các điểm gửi xe vào bệnh viện.
Bệnh viện phụ sản Trung ương không đủ diện tích trông giữ xe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân nên những người muốn vào viện buộc phải gửi xe ở những điểm tư nhân ngoài vỉa hè “Bệnh viện chỉ đủ chỗ để xe cho cán bộ nhân viên của bệnh viện nên bệnh nhân và người nhà phải gửi xe bên ngoài. Vì bệnh viện không có đất nên cũng đành chịu.”, ông Vũ Bá Lũy, tổ trưởng đội Bảo vệ bệnh viện Phụ Sản Trung ương phân trần.
Xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém”
Dư luận đã lên tiếng nhiều lần về tình trạng “chặt chém” khách gửi xe tại điểm trông giữ xe khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt (quận Hoàn Kiếm) nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Bãi trông giữ này “trưng dụng” toàn bộ vỉa hè phía trước cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương khiến người đi bộ phải đi tràn xuống mặt đường. Phương tiện ra vào liên tục để gửi ở bãi đỗ này cũng gây ra tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo phản ánh của người dân, điểm trông giữ này treo biển giá quy định một đằng nhưng thu một nẻo. Trong khi trên biển ghi giá trông giữ đối với xe máy chỉ 5.000 đồng/lượt nhưng thực tế nhân viên lại thu 10.000 đồng/1 lượt, với ô tô giá vé còn cao hơn nữa. Đối với người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện liên tục thì khoản tiền gửi xe hàng ngày không hề nhỏ.
Chị Phan Thu Hoài, 32 tuổi (Hà Nội) cho biết, bản thân cũng thắc mắc về việc báo giá một đường trả tiền một nẻo, nhưng vì không có chỗ gửi xe nào khác nên mình cũng không hỏi nữa, họ thu thế nào thì mình trả thế đấy thôi.
Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, thời gian cho mỗi lượt gửi xe được tính từ 6 giờ sáng cho tới 18 giờ hàng ngày (ban ngày).
Và mức tiền gửi xe máy tại các chợ, trường học, bệnh viện trên địa bàn các quận được phép thu 3.000 đồng/lượt vào ban ngày và 5.000 đồng/lượt vào ban đêm cả ngày và đêm là 7.000 đồng và theo tháng là 70.000 đồng/tháng, nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng thu quá giá quy định như tại điểm trông giữ xe khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Tình trạng thiếu chỗ gửi xe ở một số bệnh viện lớn tại thành phố Hà Nội đã diễn ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết gây ra nhiều hệ lụy.
Để khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội và các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phát triển giao thông tĩnh, bên cạnh đó cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động trông giữ xe, đặc biệt là tình trạng thu tiền trông giữ xe cao hơn nhiều lần so với quy định “chặt chém” người dân tại các bãi trông giữ xe trên địa bàn./.
Thiếu điểm đỗ xe ở Hà Nội – Bài 2: Hệ lụy và giải pháp