Thiếu đơn hàng, sản xuất công nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế
Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Những khó khăn của nền kinh tế, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đã phản chiếu khá rõ nét trong kết quả sản xuất công nghiệp quý I/2023.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm đã khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Thực tế, trong giai đoạn này, ngoại trừ quý I năm nay là giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm, các năm trước đều tăng, kể cả trong bối cảnh khó khăn. Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp của các quý I các năm từ 2011-2023 tăng lần lượt là 8,37%; 7,40%; 3,81%; 4,14%; 8,38%; 6,05%; 3,84%; 8,88%; 8,13%; 4,48%; 5,93%; 7,16%; và -0,82%.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế - giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8% - PV). Và nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm thì dễ hiểu vì sao sản xuất công nghiệp giảm. Khi cả xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đều giảm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đó là lý do vì sao, tăng trưởng GDP quý I/2023 ước chỉ đạt 3,32%.
Khá nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực đã giảm trong quý I/2023. Chẳng hạn, ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%...
Sự sụt giảm trong sản xuất của các mặt hàng chủ lực này đã ảnh hưởng tới IIP và giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong quý đầu năm.
Không chỉ sản xuất sụt giảm, mà chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp cũng giảm, và đây là điều đáng lo. Quý I năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%).
Điều này dẫn tới tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%).
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 81,1%, trong khi bình quân quý I năm 2022 là 79,9%.
Điều này cho thấy, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, IIP quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.
Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Chẳng hạn, Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3…
Nhưng ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Ví dụ, Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%...