Thiếu giáo viên nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều

Những năm gần đây, nhiều sinh viên không muốn thi vào sư phạm vì không có việc làm. Lại có giáo viên đeo đuổi làm theo hợp đồng, chờ đợi nhiều năm để mong được tuyển dụng biên chế chính thức, nhưng sau phải bỏ nghề để tìm việc khác. Điều này khiến cho ngành giáo dục bị thiếu giáo viên trầm trọng về số lượng và không đồng bộ về cơ cấu nhân lực dạy học các môn học, trình độ đào tạo phù hợp theo cấp học.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, một trong những khó khăn của ngành là tình trạng thiếu giáo viên không ngừng gia tăng. Hiện cả nước vẫn thiếu hơn 127.000 giáo viên. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có hơn 17.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Cùng lúc, mỗi năm có thêm khoảng 4.000 sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Hiện nay, số cử nhân sư phạm thất nghiệp lên tới 70.000 người.

Nhiều chuyên gia giáo dục từng phân tích, trong lúc số lượng học sinh ở các bậc học giảm do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hệ thống các trường sư phạm được mở chưa hợp lý, chỉ tiêu đào tạo không được tính toán kỹ và chính sách hỗ trợ học phí đã khiến thí sinh thi it vào ngành này. Khi quá nhiều sinh viên ra trường xin việc, ngành sư phạm quá tải dẫn đến việc rất nhiều sinh viên thất nghiệp.

Nhưng năm nào các địa phương cũng kêu thiếu rất nhiều giáo viên. Thậm chí, có nơi con số đó lên tới hàng ngàn giáo viên, rải đều cho các cấp học. Theo nhiều thầy cô, mặc dù ngôi trường họ đang dạy thiếu giáo viên, nhưng địa phương lại không được giao chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này dẫn đến nghịch lí thiếu trầm trọng giáo viên, nhưng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp. Theo tính toán của ngành giáo dục, tổng số giáo viên còn thiếu từ nay đến năm 2026 là 107 ngàn, trong đó chỉ tiêu đã được duyệt là hơn 65.000. Vậy, vẫn còn cần tới hơn 40 nghìn giáo viên nữa mới đủ bổ sung các vị trí đang trống.

Những năm gần đây, nhiều sinh viên không muốn thi vào sư phạm vì không có việc làm. Lại có giáo viên đeo đuổi làm theo hợp đồng, chờ đợi nhiều năm để mong được tuyển dụng biên chế chính thức, nhưng sau đó lại phải bỏ nghề để tìm việc khác. Điều này khiến cho ngành giáo dục bị thiếu giáo viên trầm trọng về số lượng và không đồng bộ về cơ cấu nhân lực dạy học các môn học, trình độ đào tạo phù hợp theo cấp học.

Theo Bộ trưởng Bộ giáo dục – đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành sư phạm. Thời gian qua, số sinh viên sư phạm tăng lên đáng kể. Nội dung liên quan đến quy định địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên cũng đang được rà soát, hoàn thiện. Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành giáo dục, Bộ đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (như hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…); xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thieu-giao-vien-nhung-sinh-vien-su-pham-van-that-nghiep-ha-noi-tin-moi-chieu-201577.htm