Thiếu giáo viên trầm trọng, Đắk Nông từng 'xé rào' nhưng bị 'tuýt còi'

Đắk Nông thiếu gần 1.000 giáo viên và tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tỉnh này từng 'xé rào' để có giáo viên dạy xong bị 'tuýt còi'.

Ông Lê Xuân Thuận-Trưởng phòng Tổ chức bộ máy (Sở Nội vụ Đắk Nông) cho biết, địa phương đang thiếu gần 1.000 giáo viên. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay song chưa thể giải quyết dứt điểm.

Năm 2022, Đắk Nông xin Trung ương xem xét, giao bổ sung số lượng người làm việc để tỉnh tuyển dụng thêm giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023. Tuy nhiên, sau đó, tỉnh này chỉ được giao bổ sung 115 người.

Ngành giáo dục Đắk Nông đang thiếu giáo viên trầm trọng

Ngành giáo dục Đắk Nông đang thiếu giáo viên trầm trọng

Ông Thuận cho biết thêm có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Cụ thể, trước đây, định mức biên chế sự nghiệp do HĐND tỉnh giao, đến năm 2016 thuộc về Bộ Nội vụ khiến địa phương không chủ động được việc phân bổ giữa các ngành cho phù hợp với thực tế. Chưa kể, Bộ Nội vụ còn giao tinh giản 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khiến tình trạng thiếu giáo viên thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, từ năm 2018 khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đến trường, Đắk Nông phải mở thêm nhiều điểm trường. Bởi địa bàn rộng, người dân di cư tự do sống rải rác trong vùng sâu, xa. Nhiều nơi chỉ có 10-15 em/lớp song vẫn phải duy trì điểm trường.

Ngoài ra, việc tuyển dụng hiện nay cũng gặp khó khăn khi yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học. “Nhiều trường hợp đã ký hợp đồng tuyển dụng nhưng sau đó chấm dứt ngay hoặc dạy một thời gian ngắn rồi chuyển công tác vì điều kiện dạy học vùng sâu, xa quá gian nan. Như các trường ở huyện Đắk G’long”, ông Thuận dẫn chứng.

Để giải quyết tình trạng trên, Đắk Nông từng cho phép ký hợp đồng giáo viên ngoài biên chế. Thế nhưng sau đó, giải pháp “xé rào” này bị Bộ Nội vụ “tuýt còi”.

Do đó, địa phương chỉ còn cách tiếp tục thực hiện các giải pháp: Giảm biên chế ở bộ phận hành chính để ưu tiên biên chế giáo viên; huyện thiếu ít bổ sung cho nơi thiếu nhiều; xã hội hóa giáo dục…

Giáo viên dạy thừa giờ, áp lực

Mới đây, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) có báo cáo về việc dạy thừa giờ do thiếu giáo viên năm học 2022-2023.

Theo đó, trường có 923 học sinh, gồm 834 học sinh bậc THCS (20 lớp), còn lại bậc THPT (2 lớp); nhưng chỉ có 24 giáo viên (trong đó 5 giáo viên hợp đồng).

Bà Châu Thị Hồng Nhạn – Phó Hiệu trưởng trường cho biết, so với quy định, trường đang thiếu 16 giáo viên… Do đó, một số cán bộ, giáo viên phải dạy thừa giờ, với tổng số hơn 4.000 tiết trong học kỳ I năm học 2022-2023.

Đơn cử, một giáo viên tiếng Anh phải đảm nhận 38 tiết/tuần, trong khi quy định là 19 tiết; hay 1 giáo viên Tin học dạy 27 tiết, trong khi quy định chỉ 19 tiết/tuần.

Một tiết học ở Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác

Một tiết học ở Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác

Cũng có nhiều trường hợp giáo viên Ngữ Văn phải dạy Địa lý; người dạy Thể dục, Âm nhạc kiêm luôn môn Công nghệ...Tình trạng này kéo dài khiến giáo viên áp lực, mệt mỏi.

Theo bà Châu Thị Hồng Nhạn, việc giáo viên dạy thừa giờ diễn ra 3 năm nay, do số lớp, học sinh tăng so với trước; mặt khác, do tách trường nên 1 số giáo viên đã chuyển công tác. Nhà trường mong muốn sớm được bổ sung biên chế, tuyển dụng giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, đảm bảo chất lượng dạy và học.

UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét ban hành cơ chế ưu tiên không thực hiện tinh giản 10% số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước hoặc giảm tỉ lệ về 5% giai đoạn 2022-2026 đối với các tỉnh, thành là vùng núi, vùng cao, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS như Đắk Nông; cho chủ trương để địa phương ký hợp đồng giáo viên (ngoài số lượng biên chế được giao) để đảm bảo nhu cầu dạy và học; cho chủ trương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để ký hợp đồng lao động chuyên môn...

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieu-giao-vien-tram-trong-dak-nong-tung-xe-rao-nhung-bi-tuyt-coi-post1509256.tpo