Thiếu giáo viên trầm trọng, nhiều địa phương kiến nghị bổ sung biên chế
Nhiều địa phương cho biết, việc thiếu giáo viên đang ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, đặc biệt là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đơn vị đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94.700 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp trung học phổ thông và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Bộ cũng hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả, đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại Hội nghị toàn quốc về Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 tổ chức ngày 28/8, lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, vấn đề thiếu giáo viên trầm trọng ảnh hưởng đến công tác dạy học.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An - ông Nguyễn Đức Trung cho hay, địa phương hiện có hơn 870.000 học sinh các cấp với hơn 1.500 cơ sở giáo dục. Với số lượng học sinh này, tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên để đảm bảo dạy học theo chương trình mới.
“Nghệ An hiện nay tính theo số lượng học sinh thì thiếu khoảng 8.000 giáo viên, chính xác là 7.843 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học. Nghệ An cũng đề nghị là Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ để xem xét đảm bảo biên chế để thực hiện dạy học. Đây là vấn đề mà các địa phương rất vướng”, ông Nguyễn Đức Trung nói.
Hàng loạt địa phương khác cũng đang thiếu giáo viên các bậc học như như Quảng Bình thiếu khoảng 1.000 giáo viên và có 500 giáo viên chưa đạt chuẩn, Gia Lai thiếu hơn 3.700 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học...
Theo bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, tỉnh đang thiếu hơn 1.600 giáo viên. Năm học vừa qua, tỉnh đã thực hiện các giải pháp sáp nhập điểm trường lẻ, tuy nhiên địa hình có tới 80% là đồi núi nên việc sáp nhập cũng khó khăn.
“Hiện nay tỉnh Kon Tum về biên chế để triển khai cho năm học mới còn thiếu 1.696 biên chế, đặc biệt là giáo viên về tiếng Anh, tin học để triển khai cho năm học 2022-2023 ở các vùng sâu, vùng xa. Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng dạy học và chương trình nội vụ, Kon Tum kiến nghị bổ sung chỉ tiêu cho tỉnh trong năm học tới. Đề nghị với Chính phủ nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào”, bà Y Ngọc cho biết.
Trước tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các địa phương nên rà soát, kiểm tra lại thực tế để có chính sách phù hợp. Hiện nay đa số địa phương thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học trong khi bậc trung học cơ sở lại thừa. Ở mỗi địa phương đều có trường sư phạm, cần nghiên cứu, đào tạo lại giáo viên là luân chuyển hợp lý giữa các cấp để giảm chỉ tiêu biên chế. Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, trường học, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, nhất là các điểm lẻ.
Về đề nghị chỉ tiêu biên chế giáo viên, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu dựa trên đề xuất của địa phương nhưng cần xem xét, rà soát kỹ. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt./.