Thiếu hóa chất - cái khó trong phòng, chống sốt xuất huyết

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2022, số ca sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh với nhiều người lớn mắc bệnh. Trong khi đó, việc phòng, chống bệnh này đang gặp khó khăn.

Tăng nhanh

Tại Tánh Linh, toàn huyện có 480 ca SXH, thì có 93 ca từ 15 tuổi trở xuống, số còn lại từ 16 tuổi trở lên. Trong đó, xã Huy Khiêm là 254 ca, chiếm tỷ lệ 53% tổng số ca mắc của toàn huyện. Riêng tháng 6/2022, bệnh SXH tăng nhanh ở xã này, với 180 ca, thì có 1 ca sốc nặng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Có thể nói rằng, xã Huy Khiêm trở thành “điểm nóng” bệnh SXH tại huyện này.

Giám sát mật độ lăng quăng.

Bác sĩ Trần Lý Văn Dân - Giám đốc Trung tâm Y tế Tánh Linh cho biết: Số ca mắc SXH tập trung ở các xã phía Bắc sông La Ngà. Bởi khu vực này gần núi, lượng mưa nhiều làm xung quanh vườn có nhiều hố nước đọng, tạo điều kiện lăng quăng, muỗi phát sinh. Một nguyên nhân khác không loại trừ, người dân chủ quan không ngủ mùng. Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân điều trị nội trú, thì bệnh SXH chiếm khoảng 60% trong tổng số ca nhập viện/ngày.

Tại Đức Linh, số ca mắc SXH hơn 230 ca, tăng cao so với cùng kỳ. Thông qua giám sát, điều tra, mật độ lăng quăng và muỗi tập trung ở các hòn non bộ (không nuôi cá kiểng), tiểu cảnh trang trí. Thêm vào đó, nước ứ đọng trong các vật dụng phế thải quanh nhà… So với trước đây, SXH thường gặp trẻ em, người lớn rất ít. Tuy nhiên, số ca mắc hiện nay gặp ở người lớn theo tỷ lệ 50% người lớn, 50% trẻ em. Mặc dù, ngành y tế huyện phối hợp các địa phương ra quân diệt lăng quăng mỗi tuần, đó là chia sẻ của bác sĩ Hồ Phi Long - Giám đốc Trung tâm Y tế Đức Linh.

Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận ghi nhận hơn 1.544 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, các huyện có số ca mắc cao gồm Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. So với cùng kỳ năm 2021, số ca SXH này tăng 62,3%. Cùng với đó, toàn tỉnh có 41 ca diễn tiến nặng, thì Đức Linh có 23 ca, chiếm 56,1% trong tổng số ca diễn tiến nặng của cả tỉnh.

Theo Sở Y tế, nhìn chung, số ca SXH không chỉ tăng ở Bình Thuận mà còn tăng ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Bệnh SXH có quanh năm, nhưng năm 2022 rơi vào đúng chu kỳ 4 năm 1 lần tăng cao. Dự báo từ đây đến cuối năm, số ca mắc sẽ có diễn biến khó lường, phức tạp thêm, tăng nhanh trong thời gian tới nếu mọi người không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.

Hạn chế phun diện rộng

Khó khăn hiện nay trong phòng, chống bệnh SXH là đang thiếu hóa chất diệt muỗi. Trung tâm y tế tuyến huyện nhận hóa chất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rất hạn chế. Các huyện chỉ xử lý ổ dịch phun hạn hẹp trong khu dân cư có số ca mắc cao, không phun bao phủ diện rộng như trước đây. Chẳng hạn, Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc yêu cầu cấp 10 lít, nhưng chỉ nhận được 7 lít. Số lượng này chỉ đủ phun 2 khu dân cư ở xã Thuận Hòa - “điểm nóng” bệnh SXH của huyện, không thể phun trên diện rộng. Trung tâm Y tế Tánh Linh yêu cầu cấp 24 lít hóa chất, nhưng chỉ nhận được 12 lít. Trong khi đó, tình hình bệnh SXH tại Tánh Linh đang tăng cao, thể hiện qua số liệu được đề cập như trên.

Theo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện nay chỉ còn dưới 90 lít hóa chất phun diệt muỗi. Vì vậy, sở đã có văn bản trình UBND tỉnh đề nghị cấp kinh phí triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Mặc dù khó khăn về hóa chất, nhưng ngành y tế vẫn có giải pháp chủ động thực hiện phòng chống bệnh.

Đó là tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng gây tử vong. Các trung tâm y tế tuyến huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, điều tra, xác minh đánh giá ổ dịch, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Thêm vào đó, các trung tâm y tế tuyến huyện hiện nay đang phối hợp từng xã, thị trấn ra quân diệt lăng quăng, dọn vệ sinh môi trường mỗi tuần/lần. Đồng thời, kêu gọi người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, cộng đồng, trường học.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thieu-hoa-chat-cai-kho-trong-phong-chong-sot-xuat-huyet-99000.html