Thiệu Hóa phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp; chú trọng các mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học... Từ đó, bước đầu hình thành được một số mô hình có hiệu quả, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng rau gia vị tại thị trấn Thiệu Hóa.
Chị Phùng Thị Huân, thị trấn Thiệu Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả của gia đình để trồng các loại rau gia vị. Ban đầu, chị gặp nhiều khó khăn do đây là mô hình sản xuất khá mới mẻ, nhất là việc áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm từ sản xuất và được sự hỗ trợ của HTX, chị Huân hiện đã có 3 sào trồng các loại rau gia vị như húng quế, rau răm, kinh giới... Theo chị Huân, các loại rau gia vị thường ít sâu bệnh hại hơn các loại rau khác, tuy nhiên rau gia vị thường được ăn trực tiếp không qua chế biến nên người trồng phải chú trọng việc chăm bón, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học, thay vào đó là các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kể từ khi phun thuốc đến hết 15 ngày mới bắt đầu thu hoạch để rau trồng đạt chất lượng cao nhất.
Hiện nay, mô hình trồng rau gia vị đã được nhân rộng ở các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Các loại rau, củ, dưa baby, dưa Kim Hoàng hậu... cũng được người dân trong huyện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua các mô hình, người sản xuất đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Theo tính toán của các hộ dân, nếu như trước đây sản xuất theo phương pháp truyền thống thì 1 ha rau màu thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, nhưng nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn đã cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm. Riêng diện tích dưa Kim Hoàng hậu cho thu nhập trên 4 tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu con nuôi có giá trị kinh tế cao, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi sang các mô hình như nuôi con nuôi đặc sản như ba ba, rùa câm, ốc... hiện đang mang lại thu nhập ổn định cho hơn 100 hộ xã Thiệu Hợp. Hay tại xã Thiệu Duy, nhận thấy mô hình chăn nuôi thỏ có khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh, mang lại thu nhập ổn định, tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Thiệu Duy đã được thành lập để hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Sau thời gian hoạt động, hiện nay, nhiều thành viên đã chủ động mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống thông gió, điều hòa làm mát, máng nước tự động, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi, phát triển số lượng đàn vật nuôi. Hàng năm, với mô hình chăn nuôi thỏ, doanh thu trung bình của mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng.
Có thể nói, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Các mô hình, như: Trồng cây ăn quả tập trung, chăn nuôi thỏ, sản xuất nấm mộc nhĩ, trồng ngô sinh khối tập trung, nuôi trồng thủy sản, nuôi con đặc sản, nuôi bồ câu Pháp, cá - lúa, trồng rau an toàn, trồng dưa baby, trồng dưa Kim Hoàng hậu, sản xuất lúa gạo thương phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP... đang duy trì và phát triển hiệu quả.
Để phát triển các mô hình sản xuất bền vững, huyện Thiệu Hóa sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, định hướng cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... nhất là phát triển các mô hình gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân; đồng thời, tiếp nhận khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt vào sản xuất.