Thiệu Hóa xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa do Công ty CP Mía đường Lam Sơn triển khai thực hiện từ năm 2016 theo hình thức doanh nghiệp thuê đất lâu dài của nông dân để tổ chức sản xuất lúa, với quy mô 165 ha liền vùng, liền khoảnh, áp dụng canh tác bán SRI và SRI2 nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có hàm lượng protein cao và chất thải carbon thấp. Đây là phương thức canh tác lúa hữu cơ tiên tiến. Bởi, trong quá trình sản xuất, toàn bộ diện tích được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch, sản phẩm của mô hình sau khi thu hoạch sẽ được Công ty CP Mía đường Lam Sơn đưa vào chế biến, đóng gói để cung ứng ra thị trường sản phẩm gạo hữu cơ với thương hiệu riêng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất lúa.
Diện tích trồng lúa xã Thiệu Long được đưa vào kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ.
Qua nhiều vụ triển khai thực hiện cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ do Công ty CP Mía đường Lam Sơn được sản xuất theo phương pháp canh tác bán SRI và SRI2 sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bộ rễ phát triển nhanh, cây to, cứng, bộ lá dầy, rộng, sức chống đổ tốt, hạn chế sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn khoảng 20% so với diện tích sản xuất lúa thông thường. Đây còn là mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Là mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và là điển hình trong việc tổ chức sản xuất theo phương thức nông dân trở thành công nhân, có thu nhập ổn định hàng tháng và được hưởng hoa lợi trên chính diện tích sản xuất của mình.
Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ là tiền đề để mở ra một hướng sản xuất mới cho sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Trên cơ sở của mô hình sản xuất lúa hữu cơ ban đầu, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô, diện tích lớn, tập trung, chuyên canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ đó từng bước hình thành thương hiệu lúa gạo hữu cơ của huyện Thiệu Hóa. Ngoài ra, còn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ. Huyện Thiệu Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện sẽ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 2.000 ha, đến năm 2025 diện tích này sẽ được mở rộng lên 3.000 ha.
Để xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu lúa hữu cơ như mục tiêu đề ra, huyện Thiệu Hóa đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ phù hợp với điều kiện của địa phương và bảo đảm các chỉ tiêu đề ra. Xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm thúc đẩy việc phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư có trọng điểm vào các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, HTX và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp có vai trò hạt nhân liên kết. Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.