Thiếu hormone tăng trưởng, trẻ có thể mất 12 cm chiều cao
Thiếu hormone tăng trưởng chiều cao sẽ gây ra rối loạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Đây là căn bệnh khó nhận biết và hiện nay cũng chưa được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến bệnh lý này.
Thiếu hormone tăng trưởng chiều cao sẽ gây ra rối loạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Đây là căn bệnh khó nhận biết và hiện nay cũng chưa được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến bệnh lý này.
Sáng 11-7, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh chính thức khởi động chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì” lần thứ 4. Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của Khoa Nội tiết nhằm giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm chứng rối loạn tăng trưởng chiều cao ở trẻ, đặc biệt là do thiếu hormone tăng trưởng (GH) để có hướng điều trị kịp thời.
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.
Riêng tỷ lệ thiếu GH, ước tính, trong khoảng 4.000 – 10.000 trẻ thì chỉ có một trẻ mắc nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
"Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi, khoảng dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng; Tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế, thấp hơn nhiều so với trung bình có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao", BS Chiến chia sẻ.
Trong ngày đầu tiên triển khai chương trình, có khoảng 40 trẻ trong độ tuổi từ 4-13 tuổi được tầm soát miễn phí. Trẻ tham gia tầm soát được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sinh, các bệnh lý liên quan, tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình; thăm khám lâm sàng; đo chiều cao và chụp X-quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương.
Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH sẽ được bác sĩ hướng dẫn để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu tiếp theo cũng như tư vấn hướng điều trị thích hợp cho trẻ.
Thời gian qua, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho gần hai trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH. BSCKI Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần.
"Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Tuy nhiên, trẻ cần được điều trị sớm trước khi dậy thì vì sau dậy thì, việc bổ sung GH sẽ không còn hiệu quả nữa", BS Ngọc Anh nói.
Chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì” được khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai lần đầu vào năm 2017. Sau ba năm triển khai, chương trình đã tầm soát cho hơn 1.300 trẻ và có 111 trẻ được chỉ định điều trị. Năm nay, chương trình dự kiến sẽ khám và tầm soát cho khoảng 300 trẻ.
Thông qua chương trình, các bác sĩ mong muốn có thể cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác nhất về bệnh lý này đến các bậc phụ huynh, hướng dẫn hướng điều trị đúng đắn và kịp thời nhất cho trẻ.