Thiếu hướng dẫn, thẩm phán 'đau đầu' khi xử quyền nuôi con

Do không có hướng dẫn cụ thể nên phương pháp lấy ý kiến trẻ chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên trong tranh chấp quyền nuôi con tùy thuộc vào kinh nghiệm của thẩm phán nên việc vận dụng pháp luật chưa thống nhất

Theo quy định, đối với những vụ án tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến trẻ chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên. Vậy, phương pháp lấy ý kiến của trẻ dưới 7 tuổi sẽ thực hiện ra sao?

Về vấn đề này, tại Công văn số 01/2017/GĐ-TAND ngày 7-4-2017 của TAND Tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, tại mục 26 phần IV cũng chỉ nêu phương pháp lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên là "phải thân thiện với trẻ em".

Do không có hướng dẫn cụ thể nên phương pháp lấy ý kiến tùy thuộc vào kinh nghiệm của thẩm phán, tính chất vụ án dễ dẫn đến việc vận dụng pháp luật chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc lấy ý kiến của con chưa thành niên được thực hiện sau khi tòa án hòa giải mà đương sự không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con. Quan điểm này lý giải như sau: Theo quy định tại khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Vì vậy, chỉ khi đương sự không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì tòa án mới lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên để xem xét quyết định ai là người trực tiếp nuôi con.

Quan điểm thứ hai cho rằng tòa án phải thực hiện việc lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên trước khi tòa án tiến hành hòa giải, bởi việc lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên trong vụ án hôn nhân có tranh chấp về nuôi con là thủ tục tố tụng bắt buộc. Tòa án hòa giải tranh chấp nuôi con nhưng không lấy ý kiến của con là vi phạm thủ tục tố tụng. Việc lấy ý kiến của con từ đủ 7 tuổi trở lên trước khi hòa giải vừa bảo đảm thủ tục tố tụng vừa làm căn cứ để tòa án hòa giải hoặc làm căn cứ để đương sự có thể suy nghĩ, xem xét để đi đến thỏa thuận ai là người trực tiếp nuôi con. Nếu đợi đến khi hòa giải không thành do đương sự không thỏa thuận được việc nuôi con mới lấy ý kiến của con, rồi sau đó lại hòa giải tiếp chỉ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi của con, việc lấy ý kiến của con từ 7 tuổi trở lên bắt buộc phải có sự chứng kiến của người thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, người chứng kiến là ai thì cũng có khó khăn riêng. Ví dụ, con đang sống với mẹ mà nguyện vọng được sống với cha nhưng có mặt mẹ thì con không dám nói thật nguyện vọng của mình. Cũng không thể là giáo viên chủ nhiệm hay đại diện đoàn thanh niên nếu con không còn đi học hoặc tham gia đoàn thanh niên...

Về cách lấy ý kiến, mỗi thẩm phán cũng có phương pháp khác nhau dựa trên kinh nghiệm xét xử. Có thẩm phán hỏi công khai, sau đó thư ký ghi vào biên bản. Có thẩm phán cho trẻ tự ghi vào giấy... Tại nhiều phiên hòa giải, phiên xử, các bé phân vân không biết trả lời thế nào hoặc òa khóc, không thể trả lời trong lúc HĐXX làm việc. Chưa hết, địa điểm tổ chức lấy ý kiến, người chứng kiến khiến không ít thẩm phán đau đầu hoặc thực hiện theo tình thế vì chưa có hướng dẫn chi tiết.

Thiết nghĩ, cơ quan ban hành luật cần có hướng dẫn dự trù nhiều tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn giải quyết tranh chấp để bảo đảm quyền lợi cho các bên, đặc biệt là trẻ em.

Dương Tấn Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/thieu-huong-dan-tham-phan-dau-dau-khi-xu-quyen-nuoi-con-20190501215810525.htm