Thiếu kẽm - bệnh lý thiếu vi chất hay bị bỏ quên

ĐTO - Thiếu vi chất dinh dưỡng, rất khó phát hiện, được xem là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó, thiếu kẽm thường bị bỏ quên vì khó chẩn đoán thông qua các xét nghiệm thông thường; các dấu hiệu để nhận biết thiếu kẽm cũng không đặc trưng. Thiếu kẽm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, suy dinh dưỡng và thấp còi.

Tình trạng biếng ăn của trẻ kết hợp với thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển chiều cao (ảnh sưu tầm internet)

Tình trạng biếng ăn của trẻ kết hợp với thiếu kẽm làm trẻ chậm phát triển chiều cao (ảnh sưu tầm internet)

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp...), tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào... Đặc biệt, thiếu kẽm còn làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 của Viện Dinh dưỡng, cho thấy, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ từ 6 - 59 tháng là 58%. Một trong những vai trò của kẽm là tham gia vào quá trình tăng trưởng, do vậy cung cấp đầy đủ kẽm cho trẻ trong giai đoạn này rất quan trọng đối với tăng trưởng của trẻ.

Khác với những vi chất dinh dưỡng khác, không những cơ thể không tự tạo ra được mà kẽm còn không được cơ thể dự trữ lại sau khi được hấp thu từ thực phẩm hoặc thuốc có kẽm. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng nửa đời sống sinh học của kẽm trong cơ thể là 12 ngày, do đó, việc cung cấp không đủ hoặc bị ngắt đoạn sẽ làm thiếu kẽm đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày. Nhiều nghiên cứu trong cộng đồng cũng cho thấy, thiếu máu, thiếu sắt thường đi kèm với thiếu kẽm.

Kẽm có nhiều trong các loài nhuyễn thể, nhất là hàu, các loại hải sản như: tôm cua, các loại thịt đỏ, thịt gia cầm; các nguồn kẽm khác là đậu, ngũ cốc nguyên hạt sữa và các sản phẩm từ sữa. Với trẻ đang bú mẹ, kẽm được cung cấp qua sữa mẹ. Kẽm từ các thực phẩm hải sản và động vật có giá trị sinh học cao hơn so với kẽm có nguồn gốc thực vật và khả năng hấp thu cũng cao hơn. Vì thế với khẩu phần ăn ít thức ăn nguồn động vật và chỉ ăn ngũ cốc cơ bản sẽ không cung cấp đủ nhu cầu kẽm cho cơ thể.

Hầu hết mọi người sẽ nhận được đủ kẽm bằng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, nhưng một số trẻ em có khẩu phần ăn ít thịt cá, hải sản sẽ dẫn tới thiếu kẽm. Bên cạnh đó, người lớn tuổi, người mắc một số bệnh về đường ruột, phụ nữ mang thai, cho con bú có thể có nhu cầu cung cấp kẽm nhiều hơn.

Làm sao có thể chẩn đoán chính xác cơ thể có thiếu kẽm hay không? Câu trả lời là chưa có chỉ số đặc hiệu phản ánh chính xác tình trạng thiếu kẽm của cơ thể. Một số biểu hiện sớm của thiếu kẽm như: biếng ăn, chậm phát triển thể lực, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp), tổn thương da và niêm mạc, tăng biến chứng thai kỳ...

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì nhu cầu kẽm cho trẻ tùy thuộc vào mỗi độ tuổi:

Trẻ em dưới 3 tháng cần 3mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5 - 12 tháng tuổi là 5 - 8mg/ngày, ở trẻ từ 1 - 10 tuổi cần khoảng 10 - 15mg/ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu nhất.

Đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi, nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất đó chính là sữa mẹ. Tuy nhiên, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung thêm kẽm cho sự phát triển của trẻ trong tương lai bằng việc ăn nhiều những loại thức ăn giàu kẽm.

Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bổ sung kẽm qua thức ăn và thực phẩm bổ sung được bác sĩ chỉ định. Để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như: cam, chanh, quýt, bưởi...

Để phòng, chống thiếu kẽm trong cộng đồng cần đa dạng hóa bữa ăn, khuyến khích sử dụng các thực phẩm giàu kẽm và các thực phẩm tăng hấp thu kẽm. Giảm sử dụng các chất ức chế hấp thu kẽm như: trà, cà phê hoặc uống cách xa bữa ăn; khuyến khích sử dụng thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng (trong đó có kẽm) trong cộng đồng; bổ sung kẽm bằng đường uống theo liều điều trị hoặc liều dự phòng theo đúng chỉ định của cán bộ y tế.

Khi cơ thể rơi vào tình trạng thiếu kẽm sẽ bị rối loạn các hoạt động sinh lý và gây nhiều ảnh hưởng khác. Do đó, đừng quên bổ sung kẽm cho cơ thể thông qua các bữa ăn hàng ngày để có sức khỏe tốt.

Nguyễn Ly (Khoa Dinh dưỡng - CDC Đồng Tháp)

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/thieu-kem-benh-ly-thieu-vi-chat-hay-bi-bo-quen-124934.aspx