Thiếu kinh phí xử lý các vụ sạt lở ở Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm

Vừa qua tại Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên công tác khắc phục hậu quả đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí.

Khắc phục sự cố sạt lở tại KDL Hồ Tuyền Lâm.

Khắc phục sự cố sạt lở tại KDL Hồ Tuyền Lâm.

Theo đó, từ đầu mùa mưa 2022 khu vực thuộc Ban Quản lý Khu Du lịch (BQL KDL) Quốc gia hồ Tuyền Lâm đã xảy ra 2 vụ sạt lở lớn với hàng nghìn 3 đất, đá từ trên núi cao đổ ập xuống, tràn cả ra đường lớn. Điển hình là ngày 24/5, vụ sạt lở nghiêm trọng trên đường Hoa Hồng gần thác Bảo Đại. Ước tính khoảng hơn 1.000m3 đất đá từ trên núi bất ngờ đổ ập xuống chặn đứng đường lớn.

Đất, đá sạt lở gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.

Đất, đá sạt lở gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.

Mặc dù không gây thương vong về người nhưng 2 vụ sạt lở đất đều khiến giao thông trên đoạn đường nối giữa KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm và cao tốc Liên Khương – Thác Prenn bị ách tắc. Sau sạt lở BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm đã cùng với đại diện Sở Giao thông xuống hiện trường ghi nhận và lập biên bản sự cố.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuyến - Giám đốc BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, hiện kinh phí chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu cần khắc phục hậu quả do sạt lở. Nên Lực lượng chức năng chỉ có thể ưu tiên xử lý các điểm nóng khẩn cấp, tránh các nguy cơ sạt lở lớn trước. Còn lại thì vẫn đành chạy theo sau xử lý khi có sự cố.

Một điểm có nguy cơ sạt lở cao ở KDL Hồ Tuyền Lâm.

Một điểm có nguy cơ sạt lở cao ở KDL Hồ Tuyền Lâm.

Ngoài ra, trên đèo Prenn - con đường cửa ngõ từ các địa phương lên Đà Lạt với lượng giao thông lớn mỗi ngày cũng ghi nhận một số điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Được biết để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và con người trong mùa mưa bão năm 2022, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động cảnh báo và có các phương án phòng chống từ sớm.

Sở Xây dựng cũng đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đang triển khai thi công và đã có Hướng dẫn thực hiện phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân.

Đồng thời thực hiện cảnh báo và chủ động di dời người dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt bởi bão mạnh, siêu bão, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa. Từng bước di dời dân cư đến khu vực an toàn theo quy hoạch.

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thieu-kinh-phi-xu-ly-cac-vu-sat-lo-o-khu-du-lich-ho-tuyen-lam-post449460.html