Chào mừng Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2024-2029
Hôm nay 30/9/2024, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.
Thực hiện Hướng dẫn số 188/HD-BCĐ ngày 15/6/2023 của Ban Chỉ đạo Đại hội XIV, Hội Luật gia Việt Nam về việc tổ chức Đại hội Hội Luật gia cấp tỉnh, Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024 – 2029, ngày 30/9/2024, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, là dịp để kiểm điểm, đánh giá sâu sắc toàn diện về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chi hội nhiệm kỳ 2014 – 2024, trên cơ sở đó, xác định rõ chủ trương, phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới; bầu cử Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, nhiệm kỳ 2024 – 2029 để lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn mới.
Nhìn lại quá trình hoạt động và kết quả đạt được
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp là Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Đồng thời, chịu sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Đảng ủy Bộ Tư pháp. Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sự cố gắng, nỗ lực; bám sát chức năng, nhiệm vụ, Điều lệ, tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia Việt Nam và nhiệm vụ chính trị Bộ, ngành, Chi hội luật gia Bộ Tư pháp đã phối hợp với Lãnh đạo cơ quan, Lãnh đạo các đơn vị trong việc phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Trung ương Hội đến hội viên. Trong tổ chức, hoạt động, Chi hội luật gia Bộ Tư pháp và các hội viên đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Chi hội thông qua việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của từng cá nhân, đơn vị, qua đó góp phần vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp, của các đơn vị và công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Đặc điểm tình hình Ban Chấp hành Chi hội trong nhiệm kỳ qua
Giai đoạn 2014-2022, Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp gặp nhiều khó khăn do các thành viên Ban Chấp hành Chi hội có sự biến động lớn về nhân sự, cụ thể: Có 4/9 ủy viên nghỉ hưu (trong đó có đồng chí Chi hội trưởng) hoặc có đồng chí luân chuyển công tác.
Theo Hướng dẫn số 339/NQ-HLGVN ngày 30/10/2018 của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam thì “Tất cả các Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội thống nhất tổ chức Đại hội nhiệm kỳ trong năm 2024”, do vậy, để đảm bảo hoạt động của Chi hội, Ban Chấp hành Chi hội đã thảo luận và thống nhất đề xuất báo cáo Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho chủ trương về việc kiện toàn Ban Chấp hành. Ngày 28/12/2021, Ban cán sự đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/BCSĐ nhất trí với đề nghị của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp thực hiện quy trình bổ sung, kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành Chi hội đối với các chức danh đang khuyết nhân sự.
Giai đoạn 2022-2024:
Ngày 25/01/2022, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị bầu bổ sung Ban chấp hành Chi hội. Hội nghị đã bầu bổ sung 03 thành viên Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2019-2024 được công nhận theo Quyết định số 31/QĐ-HLGVN ngày 07 tháng 3 năm 2022 của Hội Luật gia Việt Nam về việc công nhận kết quả bầu bổ sung, kiện toàn tổ chức Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, gồm các đồng chí: Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ; Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và kiện toàn chức danh Chi hội trưởng (đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý); Phó Chi hội trưởng (đồng chí Đào Văn Hội, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam).
Ngay sau khi được kiện toàn, các thành viên Ban Chấp hành Chi hội đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Chi hội gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Bên cạnh đó, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức của Chi hội, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một số kết quả nổi bật của Chi hội, hội viên Chi hội:
Về công tác chính trị, tư tưởng
Chi hội luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng cho Hội viên; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; triển khai quán triệt kịp thời Chương trình Hành động của Đảng đoàn Hội luật gia Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng; phối hợp, phổ biến, quán triệt đến hội viên Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới (Chỉ thị số 14-CT/TW) và Kế hoạch số 1829 - KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023 của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW (Kế hoạch số 1829 - KH/BCSĐCP), trong đó tập trung vào các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được giao.
Về công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật
Nhiệm kỳ 2014 - 2024, các hội viên Chi hội đã tích cực tham gia ý kiến vào nhiều văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì và do các Bộ, ban, ngành Trung ương, Hội Luật gia gửi trong đó có những văn bản có nội dung và vai trò quan trọng, tiêu biểu như: Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi);… các văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật mới được Quốc hội ban hành từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2024. Đặc biệt các hội viên Chi hội đã tích cực tham mưu để Bộ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được xác định là những hoạt động cơ bản, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả cụ thể
Các Hội viên Chi hội đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu chỉ đạo điều hành hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc. Công tác TGPL ngày một phát triển mạnh mẽ, nội dung và hình thức hoạt động ngày càng thực chất, phong phú và đa dạng, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày một nâng cao, được người dân tin tưởng và đánh giá cao. Nhiệm kỳ 2014 -2024, đặc biệt là từ những năm gần đây, từ năm 2022 đến nay, lần đầu tiên nội dung trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, lần đầu người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án trong phạm vi toàn quốc theo Chương trình phối hợp 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao. Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên thiết lập cơ chế phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc từ cơ quan điều tra cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, công an cấp xã, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hệ thống cơ sở giam giữ của Công an nhân dân và Trung tâm TGPL nhà nước nhằm bảo đảm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự là người thuộc diện được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hạn chế bỏ sót đối tượng thuộc diện được TGPL (Chương trình phối hợp số 5789/CTPH- BTP-BCA ngày 27/11/2023 về trực TGPL trong điều tra hình sự).
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức thành công Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các cấp” ngày 11/10/2022 với sự tham dự đại diện Trung ương Hội và đại biểu đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Trung tâm TGPL các tỉnh, thành phố : Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Yên Bái, Ninh Bình. Cùng với đó là nhiều Hội nghị tập huấn kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ trong đó có thành phần tham dự là các tư vấn viên pháp luật thuộc Trung tâm TGPL thuộc Hội Luật gia. Ngày 10/10/2023 (ngày chuyển đổi số quốc gia), Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Dịch vụ công thiết yếu của ngành Tư pháp trong bối cảnh chuyển đổi số - thực trạng và giải pháp hoàn thiện”. Hội thảo có sự tham dự có các đại biểu là đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, các đồng chí đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp, đại diện Nhà tài trợ UNDP, đại diện Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các trợ giúp viên pháp lý, đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam và một số hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.
Công tác tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và phòng chống tham nhũng được chú trọng. Chi Hội tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 02 ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở.
Các Hội viên Chi hội tiếp tục quan tâm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” năm 2022; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/4/2019 và tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các hội viên, được các hội viên Chi hội chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện toàn diện, bám sát yêu cầu thực tiễn; công tác tham mưu xây dựng văn bản, đề án, chương trình về PBGDPL tiếp tục được đẩy mạnh, đảm bảo chất lượng, nhất là việc ban hành Chương trình phối hợp truyền thông, PBGDPL và thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2023- 2028 giữa Bộ Tư pháp, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Trong các năm 2019-2020, toàn Ngành đã tích cực tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; phối hợp tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW.
Tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật, giám sát phản biện xã hội
Chi hội đã tích cực tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Các hội viên đã tích cực nghiên cứu xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành, lĩnh vực; qua đó, đóng góp trực tiếp vào kết quả cải cách hành chính của Bộ Tư pháp. Các thành viên Chi hội cũng tích cực tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật.
Công tác tổ chức cán bộ, hội viên
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chi hội, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát, lập danh sách hội viên hiện đang công tác tại Bộ Tư pháp; đồng thời thông tin, động viên, khuyến khích toàn thể công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và nguyện vọng muốn gia nhập hội viên Hội Luật gia Việt Nam đăng ký tham gia và hoàn thiện hồ sơ đăng ký để Chi hội tổng hợp trình Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia xem xét, quyết định (đến nay, Chi hội có 194 Hội viên). Bên cạnh đó, Chi hội đã có Tờ trình đề nghị Trung ương Hội Luật gia Việt Nam cấp thẻ hội viên cho các hội viên thuộc Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp (Chi hội đã tổ chức cấp thẻ Hội viên đợt đầu tiên trong năm 2024).
Với những kết quả đã đạt được nêu trên, năm 2022 và năm 2023, Chi hội và Hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã được Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, tặng Bằng khen đối với Tập thể và một số cá nhân Chi hội.
Hướng đến nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng
Với phương châm kế thừa, ổn định, sáng tạo và phát triển; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của các thành viên, nhiệm kỳ 2024 – 2029, thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chi hội được Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đề ra, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, cụ thể:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật và cải cách hành chính; công tác hợp tác quốc tế; công tác thông tin, tuyên truyền; báo chí, xuất bản và nghiên cứu khoa học…; đặc biệt thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới (trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch số 1829-KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023 của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới và Quyết định số 2081/QĐ-BTP ngày 24/8/2023 về Ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Kế hoạch số 1829-KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023 của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới).
Đại hội lần này sẽ bầu ra Ban Chấp hành mới, được kỳ vọng sẽ tiếp tục lãnh đạo Chi hội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo, Đảng ủy Bộ Tư pháp cũng như của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và các Hội viên Chi hội./.