Thiếu lao động lành nghề - doanh nghiệp Đức đứng trước nhiều nguy cơ

Dù là chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), y tá hay thậm chí là thợ làm tóc - nước Đức dường như đang thiếu nhân lực lành nghề ở khắp mọi nơi.

Trong ảnh (tư liệu): Người lao động đăng ký tìm việc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong ảnh (tư liệu): Người lao động đăng ký tìm việc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Vậy có đúng là thiếu lao động có tay nghề hay chỉ là vấn đề về tiền lương và điều kiện làm việc?

Trong một báo cáo về thị trường lao động mới đây, Bộ Kinh tế Đức cho biết tình trạng thiếu lao động lành nghề của Đức đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng phát triển của nhiều công ty.

Hơn 50% công ty coi đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển kinh doanh của họ. Báo cáo cho biết thêm rằng tình trạng thiếu hụt trong nhiều lĩnh vực có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các thành viên của cái gọi là “thế hệ bùng nổ dân số” sẽ nghỉ hưu trong thời gian tới. Và đến năm 2035, Đức sẽ thiếu khoảng 7 triệu công nhân lành nghề.

* Việc làm và mức lương thấp

Tuy nhiên, tìm hiểu nguyên nhân về việc liệu Đức có thực sự thiếu công nhân lành nghề hay không, chuyên gia về thị trường lao động, đồng thời là một nhà kinh tế học Simon Jäger không cho là như vậy. Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW, người đứng đầu Viện Kinh tế Lao động ở Bonn cho rằng tỷ lệ việc làm cao của Đức phản bác tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề.

Quả thực, với khoảng 46 triệu người Đức có việc làm, mức cao chưa từng có trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chuyên gia kinh tế Jäger lưu ý rằng những người trẻ tuổi tham gia thị trường lao động trong nước thường được giáo dục tốt hơn những người sắp nghỉ hưu.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tiền lương thực tế của Đức, nghĩa là tăng trưởng tiền lương trừ đi lạm phát, đã giảm 5,7% vào năm ngoái. Điều này không phù hợp với luận điểm rằng lao động cực kỳ khan hiếm. Ông Jäger giải thích rằng trong nền kinh tế thị trường tự do, giá cả được hình thành trên cơ sở cung và cầu, đó là lý do tại sao một hàng hóa khan hiếm, như lao động trong trường hợp này, sẽ trở nên đắt hơn thay vì rẻ hơn.

* Tiềm năng chưa được khai thác

Ông Jäger cho rằng thị trường lao động Đức được tổ chức theo cách không thực sự có lợi cho việc khắc phục khoảng cách kỹ năng hiện tại. Nhà kinh tế học cho biết tiềm năng của lao động chưa được khai thác là rất lớn.

Tuy vậy, vẫn có một “nguồn dự trữ lao động khổng lồ ở Đức”, như ông mô tả là những người muốn làm việc nhưng không thể tham gia thị trường lao động vì lý do này hay lý do khác. Ngoài ra, có một bộ phận lớn lao động bán thời gian sẵn sàng làm việc toàn thời gian nếu điều kiện cho phép.

Ví dụ, lợi ích về thuế đối với các cặp vợ chồng theo cái gọi là chương trình khai thuế chung sẽ khuyến khích, chẳng hạn như phụ nữ làm việc ít hơn chồng của họ hoặc ngăn cản họ nhận một công việc nào đó.

Một cuộc khảo sát của Cơ quan Việc làm Liên bang Đức đã phát hiện ra rằng sự lựa chọn chăm sóc con trẻ tốt hơn và giờ làm việc linh hoạt hơn đối với các bà mẹ đang đi làm có thể thúc đẩy sự tham gia lao động của phụ nữ. Trong số những nhân viên chỉ làm việc 20 giờ/tuần, khoảng 11% cho biết họ muốn làm việc lâu hơn.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Việc làm Liên bang Andrea Nahles nhìn thấy tiềm năng to lớn trong việc giữ chân những người lao động cao tuổi sau tuổi nghỉ hưu. Bà nói: “Hơn một triệu công nhân sẵn sàng tiếp tục làm việc, nhiều người quan tâm đến làm công việc bán thời gian. Theo bà Nahles, các nhà tuyển dụng nên cố gắng tìm ra các giải pháp sáng tạo cho họ.

* Cách triển khai các nguồn lực khan hiếm

Chuyên gia Jäger đã trích dẫn ví dụ điển hình về một thợ làm tóc đang ráo riết tìm kiếm nhân viên ở Bonn. Chủ tiệm yêu cầu nhân viên chỉ làm việc 4 ngày một tuần và đổi lại họ nhận được rất nhiều đơn xin việc.

Ông Jäger cho biết việc đưa ra giải pháp tốt hơn cân bằng công việc và cuộc sống thông qua việc giảm giờ làm cũng có thể cải thiện tình hình ở nhiều ngành nghề khác. Ví dụ, trong lĩnh vực điều dưỡng ở Đức, hơn 200.000 người đã bỏ việc, có thể muốn quay lại công việc cũ của nếu điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn hơn.

* Phủ lấp những “lỗ hổng” về kỹ năng

Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho rằng việc khai thác triệt để tiềm năng lao động của đất nước sẽ không đủ để khắc phục những “lỗ hổng” về kỹ năng. Ông Heil nói: “Ngay cả khi chúng tôi tuyển dụng hết các lao động trong nước, chúng tôi vẫn cần thêm người nhập cư có tay nghề cao để duy trì hoạt động kinh tế.

Các chuyên gia về thị trường lao động đã ước tính rằng Đức sẽ cần 400.000 người nước ngoài mỗi năm để thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn trong vòng một thập kỷ tới hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có khoảng 60.000 người gia nhập thị trường lao động thông qua các chương trình nhập cư lao động có tay nghề của chính phủ.

Ông Jäger cho rằng Đức có nhiều cơ hội để mời chào các chuyên gia lành nghề từ nước ngoài. Khi mọi người được hỏi họ muốn nhập cư vào quốc gia nào, Đức thường được xếp hạng cao, cùng với Mỹ, một số quốc gia châu Âu khác và New Zealand./.

Phương Hoa (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thieu-lao-dong-lanh-nghe-doanh-nghiep-duc-dung-truoc-nhieu-nguy-co/285344.html