Thiếu lực hay thiếu quyết tâm?

CLB Thanh Hóa vừa chính thức bị loại khỏi giải vô địch các CLB Đông Nam Á mùa 1 sau khi để thua trắng 0-3 trên sân của PSM Makassar, đội bóng hiện đứng giữa bảng xếp hạng giải vô địch Indonesia.

Thanh Hóa (áo vàng) giành chiến thắng ở trận ra quân Cúp các CLB Đông Nam Á 2024-2025. Ảnh: TÂM HÀ

Thanh Hóa (áo vàng) giành chiến thắng ở trận ra quân Cúp các CLB Đông Nam Á 2024-2025. Ảnh: TÂM HÀ

Không chỉ thua về tỷ số, cách chơi bóng của Thanh Hóa FC cũng khiến cho người hâm mộ xứ Thanh buồn lòng. Nhiều người tin rằng, đội bóng của HLV Popov đã chủ động “rời” sân chơi quốc tế.

Điều đáng nói là Thanh Hóa đang đứng nhì bảng xếp hạng V-League và có 2 mùa giải liên tiếp vô địch cúp quốc gia. Đầu mùa giải năm nay, Thanh Hóa còn được quyền dự AFC Champions League Two, giải đấu thứ 2 của các CLB châu Á (trước đây là AFC Cup), nhưng họ chủ động xin rút lui nhằm tập trung cho sân chơi trong nước cũng như giải CLB Đông Nam Á. Thế nhưng, thành tích quốc tế của Thanh Hóa rất đáng thất vọng khi đá 5 trận chỉ thắng được 1, xếp sau cả đại diện của Campuchia là Svay Rieng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thanh Hóa FC không đủ chiều sâu đội hình nên phải “buông” giải quốc tế để tập trung cho cơ hội vô địch V-League, nhưng cách lý giải này không thỏa đáng. Cúp các CLB Đông Nam Á là một nỗ lực rất lớn của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á nhằm tạo thêm sân chơi cho các CLB của khu vực vốn không có nhiều cơ hội thành công ở giải châu lục.

Số lượng trận đấu cũng không quá nhiều, tối đa 9 trận nếu đi đến chung kết và trải dài từ tháng 7-2024 đến cuối tháng 5-2025. Đây rõ ràng là một cơ hội để các CLB Việt Nam có thêm trải nghiệm quốc tế, thêm thu nhập từ tiền thưởng. Tính luôn các trận đấu quốc nội, thì đá thêm cúp này cũng chưa đến 40 trận/năm, chỉ là mức trung bình của thế giới.

bóng đá Việt Nam có sự phát triển mạnh ở cấp độ đội tuyển, nằm trong tốp 20 nền bóng đá hàng đầu châu Á, tốp 3 Đông Nam Á, nhưng thành tích của các CLB lại rất kém. Kể từ lần đầu dự giải quốc tế năm 1992 đến nay, hơn 30 năm “mang chuông đi đánh xứ người”, thành tích tốt nhất của những đại diện Việt Nam chỉ là 2 lần vào đến bán kết AFC Cup do công của đội Bình Dương (2009) và Hà Nội (2018). Nhìn chung, đa số các CLB Việt Nam vẫn xem việc dự các giải quốc tế này là “nghĩa vụ”, hay thậm chí là “gánh nặng” nên thiếu quyết tâm trong thi đấu.

Năm nay, dù Thanh Hóa chơi kém nhưng vẫn còn có Công an Hà Nội vào bán kết cúp các CLB Đông Nam Á và Nam Định vào vòng 16 đội AFC Champions League Two. Hy vọng các đội bóng có sự đầu tư rất mạnh này sẽ nghiêm túc trong việc thực hiện nâng cao hình ảnh bóng đá quốc gia. Thực tế, để bóng đá Việt Nam có thể vươn tầm châu lục, không thể thiếu sự chia sẻ trách nhiệm của các CLB.

Lâu nay, khi nói về sự phát triển của bóng đá Việt Nam, gần như trách nhiệm dồn hết vào đội tuyển quốc gia và VFF. Vai trò của CLB khá mờ nhạt, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh chung.

Theo ssp.org.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202502/thieu-luc-hay-thieu-quyet-tam-1033819/