Thiếu mặt bằng thi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với vành đai 3 chậm tiến độ

Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng có nguy cơ chậm tiến độ.

Vừa thi công vừa "ngóng" mặt bằng

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 có chiều dài tuyến khoảng 3,4 km, mặt cắt ngang rộng 60 m; với tổng mức đầu tư của dự án 3.241 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025.

Tuyến đường có bề rộng cắt ngang 60 m với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tuyến đường cũng sẽ được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông trên tuyến đường chính, các nhánh kết nối đường gom.

Dự án đầu tư là công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng với mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam khu vực trung tâm thành phố.

Hình ảnh gói thầu số 3, đơn vị đang tiến hành thi công phần cọc khoan nhồi, bệ thân trụ theo hiện trạng mặt bằng trên Vành đai 3.

Hình ảnh gói thầu số 3, đơn vị đang tiến hành thi công phần cọc khoan nhồi, bệ thân trụ theo hiện trạng mặt bằng trên Vành đai 3.

Sau hơn 1 năm triển khai thi công, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, dự án được khởi công từ ngày 19/7/2023 và được chia làm 3 gói thầu chính. Đến nay gói thầu số 1 đã thi công hoàn thành 2 trụ cầu vượt đường cao tốc thuộc nút giao Tứ Hiệp, triển khai chế tạo dầm hộp thép trong nhà máy đồng thời triển khai thi công cọc xi măng tại phần mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Đối với gói thầu số 2, hiện nay, nhà thầu đang thi công đường công vụ vào thi công hạng mục đã có mặt bằng tại vị trí cầu qua kênh Yên Sở. Đối với gói thầu số 3, đơn vị đang tiến hành thi công phần cọc khoan nhồi, bệ thân trụ theo hiện trạng mặt bằng trên Vành đai 3.

Các đơn vị đang thi công dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Các đơn vị đang thi công dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

"Công tác thi công đang được triển khai theo tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án. Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà thầu tập trung hoàn thành các hạng mục trên mặt bằng hiện có trong quý III/2024.

Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận mặt bằng thi công các hạng mục tiếp theo như: Kết cấu phần dưới tuyến chính nút Tứ Hiệp, nhịp cầu thép vượt đường cao tốc Pháp vân, cầu thép vượt đường Vành đai, cầu dầm bản rỗng và đắp gia tải xử lý nền đất yếu", đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho hay.

Cũng theo vị đại diện này, tổng diện tích phải thu hồi để thực hiện dự án là 316.224 m2 tương ứng với 2.233 phương án trong đó, đất ở là 8.709,2 m2, đất nông nghiệp là 212.613,9 m2 và đất công là 94.901 m2. Đến nay đã có thông báo thu hồi đất với 1.922 phương án; điều tra, lập hồ sơ 1.898 phương án và đền bù 374 phương án.

Bàn giao mặt bằng kiểu xôi đỗ

Theo đại diện Ban QLDA đầu tư, xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, hiện mặt bằng đã có đủ điều kiện thi công ít gây khó khăn cho nhà thầu trong việc huy động máy móc tập trung thi công đồng bộ các hạng mục công trình.

"Phần mặt bằng đã được bàn giao chiếm tỷ lệ nhỏ, xôi đỗ, không liên tục. Nguyên nhân là do công tác quản lý đất đai của các địa phương có dự án đi qua còn nhiều bất cập khiến việc quy chủ, thẩm định bản đồ gặp nhiều vướng mắc. Công tác xác định giá đất ở cụ thể chậm, do đó chưa có cơ sở triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với phương án đất ở.

Dự kiến, Ban QLDA đầu tư, xây dựng các công trình giao thông Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì để hoàn thành thu hồi mặt bằng với các phương án đất nông nghiệp trong quý 3/2024 và giải phóng mặt bằng đất ở vào quý 4/2024", đại diện Ban QLDA đầu tư, xây dựng các công trình giao thông Hà Nội thông tin.

Do thiếu mặt bằng sạch khiến dự án thi công chậm tiến độ.

Do thiếu mặt bằng sạch khiến dự án thi công chậm tiến độ.

Ông Phạm Quý Nghị, Chỉ huy trưởng gói thầu số 3 cho biết: "Gói thầu của đơn vị chúng tôi có chiều dài 1,3 km bao gồm các hạng mục cầu cạn, cầu vượt và đường song hành. Sau 8 tháng thi công, chúng tôi đang tiến hành thi công trụ cầu. Hiện nay, tiến độ của gói thầu chưa đạt được tiến độ như dự kiến ban đầu".

Theo ông Phạm Quý Nghị, khó khăn lớn nhất trong việc thi công là không có mặt bằng sạch. Hiện tại, mặt bằng đang được bàn giao xôi đỗ. Tại khu vực đã được bàn giao mặt bằng tại hai bên đường Vành đai 3, không gian thi công chật hẹp, thi công trong điều kiện phương tiện di chuyển tốc độ cao xung quanh.

Các nhà thầu đang thi công hạng mục trụ cầu ngay sát Vành đai 3.

Các nhà thầu đang thi công hạng mục trụ cầu ngay sát Vành đai 3.

"Đến hết tháng 11, chúng tôi sẽ thi công xong phần trụ cầu ngay sát Vành đai 3. Nếu tiếp tục không có mặt bằng, chúng tôi buộc phải di chuyển máy móc, trang thiết bị và nhân lực đến dự án khác để chờ. Rất mong chính quyền địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà thầu có mặt bằng sạch để thi công", ông Phạm Quý Nghị cho biết.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thieu-mat-bang-thi-cong-du-an-duong-noi-cao-toc-phap-van-cau-gie-voi-vanh-dai-3-cham-tien-do-10289453.html