Thiếu 'món ăn' tinh thần cho công nhân ở 'thủ phủ' khu công nghiệp của Đồng Nai (Bài 1)

Nhơn Trạch từ một huyện thuần nông đã trở thành địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất của Đồng Nai với 9 KCN, khoảng 128 ngàn lao động. Chính vì điều này, việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để người lao động (NLĐ) yên tâm gắn bó với công việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm.

Anh Linh (công nhân ở trọ tại ấp 3, xã Long Thọ) thường chọn giải trí bằng cách nằm ở trong phòng và xem điện thoại. Ảnh: X.Mai

Anh Linh (công nhân ở trọ tại ấp 3, xã Long Thọ) thường chọn giải trí bằng cách nằm ở trong phòng và xem điện thoại. Ảnh: X.Mai

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các thiết chế và đa dạng các hoạt động văn hóa văn nghệ cho công nhân lao động vẫn chưa đáp ứng.

Bài 1: Vòng luẩn quẩn: Đi làm - về nhà - ăn ngủ rồi lại đi làm

Huyện Nhơn Trạch có 2 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đã đi vào hoạt động nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu về nhà ở của công nhân, NLĐ.

Phần đông công nhân lao động phải thuê nhà trọ ở các khu nhà sâu trong hẻm, cách xa đường chính nên việc tiếp cận các công trình phúc lợi công cộng như: nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi giải trí là rất khó.

‘Mỏi mắt’ tìm thiết chế văn hóa

Nhiều công nhân, nhất là nam giới bày tỏ rất thích chơi bóng đá nhưng xung quanh chỗ ở của họ không có sân bóng, nếu có phải đặt sân từ trước và thuê theo giờ. Chính vì vậy, thói quen chơi thể thao của họ cũng mất dần. Đi làm xong về nhà xem điện thoại, ăn, ngủ rồi lại đi làm.

Có sở thích chơi cầu lông nhưng anh Hoàng Kim Tạo công nhân đang ở trọ tại ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền phải lựa chọn môn thể thao khác là đạp xe hoặc chạy bộ bởi lẽ, phòng trọ cách sân tập hơn 2km, chi phí thuê sân tốn kém, đó là chưa kể tiền mua vợt, cầu…

Anh Tạo tâm sự: “Khu nhà trọ của tôi chỉ có 9 phòng và rộng chưa đầy 200m2, không gian để chơi cầu lông hầu như không có. Lâu lâu tôi chơi cầu lông ở sân tập, còn lại chạy bộ, vận động quanh đây”.

Đang ở trọ tại ấp 3, xã Long Thọ, anh Nguyễn Văn Linh, làm công nhân tại Công ty TNHH JinYang (KCN Nhơn Trạch 2) chia sẻ: “Tôi rất thích chơi đá banh, công ty cũng có sân banh nhưng đi làm hầu như không có ngày nghỉ, làm cả ngày thứ 7 và chủ nhật, hôm nào làm ca đêm về tới phòng là không còn sức nên thời gian rảnh tôi dành để ngủ nghỉ, xem điện thoại, lướt facebook”.

“Làm bạn” với phòng trọ chục mét vuông

Nếu việc đi làm chiếm hết quỹ thời gian và các khu thiết chế, cơ sở thể thao ở xa nơi trọ thì số công nhân có gia đình, ngoài giờ đi làm còn phải tranh thủ chăm sóc con cái cũng là một trong những nguyên nhân không thể tham gia các hoạt động văn nghệ, chơi thể thao.

Như trường hợp của chị Thạch Thị Kim Hường đang ở trọ tại ấp 3, xã Long Thọ, chị vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ 3 tuổi. Ban ngày, chị gửi con ở trường còn buổi chiều đi làm về chủ yếu là dọn dẹp, nấu ăn và chơi với con

Chị Hường tâm sự: “Làm việc ở công ty điện tử, hôm nào không tăng ca thì về lúc 5 giờ chiều, có khi làm luôn cả ngày chủ nhật. Chiều tôi về đến phòng là lo cho bé tắm rửa, ăn uống, chơi với bé, lúc bé ngủ thì mình cũng rất là mệt rồi, lâu dần mình cũng quên luôn ý định tập thể dục, giải trí”.

Rất thích ca hát nhưng từ khi đi làm công ty bà Lâm Thị Keo, công nhân sản xuất đồ gỗ tại KCN Nhơn Trạch 6 cũng cũng không “yêu đời” như trước nữa. Lý do là phòng trọ của bà chỉ gói gọn chưa đầy 20m2 mà có đến 3 thế hệ cùng sinh sống. Chỗ ăn chỗ ngủ còn chật chội nói gì đến ca hát.

Nhiều công nhân nếu không tăng ca thì cũng bận chăm con nhỏ, không còn thời gian để chơi thể thao, tham gia phong trào. Ảnh: X.Mai

Nhiều công nhân nếu không tăng ca thì cũng bận chăm con nhỏ, không còn thời gian để chơi thể thao, tham gia phong trào. Ảnh: X.Mai

Bà Keo tâm sự: “Ở nhà trọ nên tôi không dám ca hát văn nghệ, sợ làm ồn các phòng bên. Tôi cũng không tham gia đội nhóm nào cả vì đi làm về phải phụ con giữ cháu. Buổi tối cháu ngủ thì mới đi tản bộ cho khuây khỏa”.

Trường hợp của anh Lý Hữu Việt cũng tương tự, anh Việt đang làm công nhân tại Công ty TNHH Soltec Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3), mặc dù là ngày nghỉ nhưng anh Việt lại chỉ quanh quẩn ở phòng.

Vừa dỗ dành đứa con nhỏ gần 2 tuổi anh Việt vừa cho biết: “Hôm nào công ty tăng ca thì đến 7 giờ tối mới về phòng, làm cả ngày thứ 7 và thỉnh thoảng làm luôn ngày chủ nhật, tôi biết chơi đá banh nhưng ít chơi lắm vì đi làm về là giữ con, phụ vợ làm công việc nhà. Công ty tôi chuyên làm về cơ khí, công việc nặng nhọc nên về nhà chỉ thích nằm xem tivi, sở thích chơi đá banh đành gác lại chờ con lớn rồi mới tính tiếp”.

Không ít công nhân bày tỏ, họ thích chơi thể thao, thích xem các chương trình văn nghệ nhằm giải tỏa tinh thần sau giờ làm việc, tuy nhiên sở thích này không dễ thực hiện vì địa điểm thuê nhà trọ không nằm gần nhà văn hóa, công viên, sân chơi thể thao công cộng; bận đi làm, chăm sóc con nhỏ…

Việc tạo ra nhiều sân chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện thể thao cho công nhân ở trọ là một trong những nhiệm vụ then chốt, làm tốt công tác này sẽ giúp tạo động lực để công nhân gắn bó lâu dài, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và doanh nghiệp.

Xuân Mai

Bài 2: Bao giờ có sân bóng, thư viện, rạp phim phục vụ công nhân?

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/thieu-mon-an-tinh-than-cho-cong-nhan-o-thu-phu-khu-cong-nghiep-cua-dong-nai-bai-1-f401f04/