Thiếu 'món ăn' tinh thần cho công nhân ở 'thủ phủ' khu công nghiệp của Đồng Nai: Bài cuối: Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, thể thao
Nghị quyết 09 của Ban Thường Vụ Tỉnh ủy Đồng Nai có nêu rõ về phát triển văn hóa xã hội tại huyện Nhơn Trạch, đó là cần quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, hoạt động văn hóa - thể dục thể thao, đây cũng được xem là giải pháp tối ưu để đa dạng các loại hình thể thao, mở rộng điểm vui chơi công cộng cho công nhân lao động.
Những giải pháp “dài hơi”
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở xã hội (NƠXH), cải tạo đất công thành công viên cây xanh, trang bị bộ dụng cụ thể thao ngoài trời tại các điểm sinh hoạt công cộng, đổi mới cách tổ chức phong trào là những giải pháp “dài hơi” mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nói chung và công nhân nói riêng.
Theo báo cáo từ Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, UBND huyện đã đề xuất xây dựng 6 dự án NƠXH, với tổng diện tích 19,8 ha tại các xã: Phước An (3 dự án), Long Thọ, Phú Hội và Phước Thiền.
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Phong, hiện nay nhu cầu về NƠXH tại Nhơn Trạch rất lớn, đây là bài toán đặt ra cho huyện phấn đấu đến năm 2030 đạt từ 9-10 ngàn căn. Cuối tháng 5-2024, huyện sẽ khởi cộng 1 dự án NƠXH tại xã Phước An, diện tích là 5,61 ha.
Khi công nhân lao động có chỗ ở ổn định tại các khu NƠXH sẽ kéo theo hình thành các thiết chế văn hóa, từ đó nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động
Đến nay, đã có khoảng 15 khu đất công được UBND các xã như: Long Thọ, Phú Đông, Phước Khánh vận động nguồn xã hội hóa cải tạo thành công viên, bố trí ghế đá và bộ dụng cụ thể thao ngoài trời.
Bà Trần Thu Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Long Thọ cho biết: “hiện xã Long Thọ đã làm được 4 công viên, trong đó có 3 công viên 100% nguồn vận động từ nhân dân đóng góp, với kinh phí gần 750 triệu đồng, sau khi các công viên hoàn thành đưa vào sử dụng, địa phương tiếp tục vận động khoảng 60 triệu đồng để lắp đặt thêm mỗi công viên và nhà văn hóa ấp, mỗi điểm 2 chiếc xích đu, bập bênh cho trẻ em”.
Song song đó, các giải thi đấu thể thao và Hội thi hội diễn đã được LĐLĐ huyện đổi mới trong cách tổ chức, tạo được sân chơi xuyên suốt cho công nhân lao động.
Ông Dương Quốc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện cho biết: “những năm trước các hoạt động phong trào thường tổ chức đồng loạt trong Tháng công nhân và 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong năm 2024 và những năm tới, chúng tôi đã thống nhất là tổ chức các hoạt động xuyên suốt trong năm, rải đều từ tháng 4 đến tháng 10, như giữa tháng 4 là giải Chạy Việt dã, tháng 5 đến tháng 7 là Giải bóng đá Công nhân Viên chức - Lao động, Tiếng hát Công nhân Viên chức - Lao động sẽ tổ chức vào tháng 8, tháng 9 là Giải cầu lông và tháng 10 là Giải bơi lội; chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác kêu gọi xã hội hóa các giải thi đấu, nâng được giá trị giải thưởng sẽ thu hút nhiều công nhân tham gia hơn”
Đối với Trung tâm VHTT-HTCĐ thì một số địa phương tập trung đông công nhân như: Hiệp Phước, Phước Thiền, Long Thọ, Phú Hội, Vĩnh Thanh, Phú Đông đã có sự đầu tư sửa chữa và xây mới, với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng. Riêng Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện cũng được sữa chữa, nâng cấp nhà thi đấu, sân khấu và mua sắm trang thiết bị với mức đầu tư hơn 17,6 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Trung tâm mới sẽ hiện đại hơn, nhiều hạng mục hơn như: sân khấu ngoài trời rộng 153m2 , cây xanh thảm cỏ gần 600m2, khuôn viên trung tâm rộng gần 2,6 ngànm2” và một số hạng mục cần thiết khác, sau khi nghiệm thu và hoàn thiện chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa các hoạt động để khai thác tối đa công năng của trung tâm”.
Qua khảo sát, ngoài các thiết chế văn hóa công lập, huyện có trên 70 cơ sở tư nhân đang hoạt động kinh doanh sân cầu lông, hồ bơi, phòng tập gym, sân bóng đá, sân bóng chuyền, phòng tập yoga,…UBND huyện đã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa, mở rộng các cơ sở thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân, nhất là công nhân lao động.
Chờ những dự án xứng tầm đô thị
Trong năm 2024, huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành công tác lập Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ tại thị trấn Hiệp Phước, đến nay UBND huyện đã làm việc với đơn vị tư vấn, thông qua các hạng mục cải tạo, xây dựng cảnh quan tuyến phố như: Cải tạo một phần công viên thành khu vui chơi trẻ em, trồng cây xanh tạo không gian đi bộ thoáng đãng, trong lành.
Theo đề án, thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19h đến 22h ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, nhảy hiện đại, xiếc đường phố,…
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thành cho biết: “Việc thực hiện tuyến phố đi bộ của huyện Nhơn Trạch là một trong những nội dung nằm trong Chương trình hành động số 04-CTr/HU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nhơn Trạch nhằm mục đích tạo ra không gian đi bộ, không gian văn hóa truyền thống của địa phương; phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là tầng lớp công nhân, gặp gỡ, giao lưu, thư giãn và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đường phố…”.
Ngoài ra, huyện Nhơn Trạch đã được tỉnh thông qua Dự án Khu Trung tâm vui chơi giải trí đạt tiêu chí đô thị đến năm 2025 gồm: Quảng trường, Trung tâm tổ chức sự kiện, Nhà thi đấu đa năng, Nhà thiếu nhi, Sân bóng đá 11 người, sức chứa trên 10.000 người và các khu chức năng kèm theo,…đây là dự án cấp tỉnh, đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ nhấn mạnh: “Mục tiêu phát triển của huyện Nhơn Trạch đến năm 2030 sẽ là đô thị loại II, do đó ngay từ bây giờ, huyện đang tập trung mọi nguồn lực, để hoàn thiện hạ tầng thiết chế văn hóa, nhất là các xã được quy hoạch lên phường thì Trung tâm VHTT-HTCĐ đều được xây mới nhằm phù hợp với tiêu chí của một đô thị. Khi Dự án Khu Trung tâm vui chơi giải trí tại xã Phước An, Phố đi bộ tại thị trấn Hiệp Phước đưa vào sử dụng, khai thác sẽ là điểm nhấn về không gian văn hóa của huyện, góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân thêm phong phú, đa dạng”.
Định hướng cho huyện Nhơn Trạch trong công tác phát triển lên đô thị, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đã nói: “Khi Nhơn Trạch đã trở thành một thành phố tri thức, thành phố hiện đại thì chúng ta kỳ vọng về một không gian sống chất lượng cao, chất lượng sống của người dân sẽ đảm bảo thực hiện tốt từ chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thể thao, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự đòi hỏi phải đạt yêu cầu cao, do đó chính quyền, Đảng bộ phải nỗ lực, thực hiện được 12 tiêu chí mà Đảng bộ tỉnh đề ra về nâng cao chất lượng sống của người dân. Tất cả mục tiêu chăm lo người dân có tốt hay không tùy thuộc vào sự hoạch định và nỗ lực của huyện để đầu tư một cách bài bản làm cho chất lượng sống người dân ngày càng tốt hơn”.
Như vậy, bên cạnh những nỗ lực của huyện Nhơn Trạch trong thực hiện các chính sách về NƠXH cho công nhân lao động, sự hỗ trợ của tỉnh cũng rất cần sự đồng lòng của các doanh nghiệp có đông công nhân và sự chung tay của toàn xã hội đầu tư đa dạng các thiết chế văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng sống của công nhân lao động xứng tầm thành phố mới trong tương lai.