Thiếu Mỹ, EU có đủ sức sát cánh cùng Ukraine trong xung đột với Nga?

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một khoản vay mới dành cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang gặp khó khăn trên chiến trường. Tuy nhiên, Mỹ đã tuyên bố sẽ không tham gia đóng góp vào khoản vay này, kéo theo nhiều rủi ro trong tương lai.

Tình thế bấp bênh của Ukraine

Chuyến thăm Kiev của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen diễn ra khi quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trên chiến trường. Ở mặt trận phía đông, các lực lượng Kiev đã buộc phải rút lui trước thế tiến công mạnh mẽ của Nga. Trong khi đó, tại tỉnh Kursk, Nga đang dần giành lại lợi thế tại những khu vực mà Kiev tuyên bố giành quyền kiểm soát trước đó.

Hãng thông tấn Ukrinform dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine rằng trong ngày 20/9 có tổng cộng 190 cuộc giao tranh trên tất cả mặt trận, trong đó mặt trận Kurakhove thuộc tỉnh Donetsk là nơi "nóng" nhất. Nga trong ngày đã tiến hành 4 cuộc tấn công bằng tên lửa, 54 cuộc không kích sử dụng 67 quả bom lượn và phóng 671 máy bay không người lái (UAV) tấn công lãnh thổ Ukraine. Quân Moscow cũng thực hiện hơn 3.700 cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine bằng nhiều loại vũ khí khác nhau.

Xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Getty

Xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Getty

Ukraine sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn hơn khi bước vào mùa đông thứ ba của cuộc chiến. Các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện đã gia tăng trong những tháng gần đây. Cuối tháng 8, sau khi Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, Moscow đã phóng hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Sản lượng điện của Ukraine chỉ bằng khoảng 1/3 công suất trước xung đột. "Mùa đông năm nay sẽ là thử thách khắc nghiệt nhất từ trước đến nay", ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết hôm 19/9.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng thông tin, Ukraine có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt 6 GW điện năng vào mùa đông năm nay khi nhu cầu điện tăng lên cao điểm. Trong báo cáo công bố cùng ngày, cơ quan năng này cũng kêu gọi Kiev và cộng đồng quốc tế tăng cường an ninh cho mạng lưới năng lượng của nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ bị tấn công từ Nga.

Hi vọng từ EU

Hôm 20/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 35 tỷ Euro (khoảng hơn 39 tỷ USD). Theo bà Ursula von der Leyen, EU đã tận dụng dụng tiền lãi từ khối tài sản 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng trong các ngân hàng châu Âu để hỗ trợ Kiev vượt qua mùa đông sắp tới.

Ngoài khoản tiền mặt phân bổ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo cấp bách của Kiev, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến hỗ trợ sửa chữa và xuất khẩu thêm điện năng cho Ukraine.

Thông báo trên được bà von der Leyen đưa ra trong cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine Zelensky. Đây là chuyến công du thứ 8 của bà von der Leyen đến Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi năm 2022.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Shutterstock.com

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Shutterstock.com

Cũng tại cuộc họp này, người đứng đầu Ủy ban châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của châu Âu dành cho Ukraine. Cuộc gặp chỉ diễn ra vài ngày trước khi ông Zelensky dự kiến sẽ tới New York để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới. Tại cuộc họp này, nhà lãnh đạo Ukraine được cho là sẽ trình lên Tổng thống Joe Biden một "kế hoạch chiến thắng" nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Theo các nhà quan sát, khoản vay mới nhất mà EU vừa công bố đã mang lại hi vọng kéo dài thời gian cầm cự cho Ukraine trên chiến trường. Các lực lượng Ukraine đang cạn kiệt nguồn lực để trang bị thêm vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại trong các cuộc giao tranh với Nga.

Rủi ro trước mắt

Ông Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Brussels, nhận định rằng khoản vay này là dấu hiệu cho thấy EU đang từng bước "trở thành người ủng hộ chính của Ukraine", khi Mỹ được cho là sẽ không tham gia đóng góp cho khoản vay này. Song song với điều đó, tổ chức này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai.

Đến nay, các nước phương Tây ủng hộ Kiev đều không chọn phương án tịch thu tài sản của Nga đang bị phong tỏa ở châu Âu và Mỹ do lo ngại pháp lý. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhắc lại quan điểm của mình rằng quyết định như vậy phải có cơ sở pháp lý rất vững chắc. Bên cạnh đó, nguy cơ giảm lãi suất chung và khả năng đóng góp chênh lệch giữa quốc gia châu Âu cũng có thể "kéo tụt" giá trị khoản vay dành cho Ukraine.

Một điểm gây tranh cãi khác là Liên minh châu Âu yêu cầu các thành viên nhóm họp 6 tháng 1 lần nhằm gia hạn các lệnh đóng băng tài sản của Nga. Vì bất kỳ thay đổi nào trong các lệnh trừng phạt đều có khả năng "mở khóa" số tiền bị đóng băng của Nga, Mỹ tuyên bố sẽ chỉ đóng góp nếu Brussels đồng ý gia hạn thời gian xem xét lệnh trừng phạt lên 36 tháng. Khoảng 90% tài sản của Nga ở EU hiện do công ty tài chính quốc tế Euroclear có trụ sở ở Bỉ nắm giữ.

Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nào đối với thời hạn xem xét đều cần có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU và Hungary, một quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga. đã liên tục phản đối.

Để giải quyết bế tắc, các quan chức EU đã quyết định thực hiện một khoản vay nhỏ hơn, không bao gồm sự tham gia của Washington, mặc dù bà von der Leyen cho biết bà "hoàn toàn tin tưởng" rằng Mỹ và các nước khác cuối cùng sẽ đóng góp. Hồi tháng 6 vừa qua, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác của nhóm G7 đã đồng ý viện trợ 50 tỷ USD cho Kiev. Washington có ý định đóng góp 20 đến 25 tỷ USD cho khoản vay này nhưng với đi kèm các điều khoản buộc EU xem xét lại các lệnh trừng phạt đối với Nga trong khoảng thời gian 3 năm sau đó.

Điện Kremlin từng chỉ trích ý tưởng tận dụng tài sản bị phong tỏa của nước này và đe dọa sẽ đáp trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5 ký sắc lệnh về quy trình tịch thu tài sản Mỹ bị đóng băng ở Nga để bù đắp thiệt hại do lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tuyên bố những động thái trên của EU là "một quá trình leo thang căng thẳng với Nga".

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thieu-my-eu-co-du-suc-sat-canh-cung-ukraine-trong-xung-dot-voi-nga-post1123005.vov