Thiếu Mỹ, NATO như 'rắn mất đầu': Châu Âu 'đấu' thế nào với 'siêu cường mới nổi' như Nga?
Giữa lúc NATO thiếu mất người lãnh đạo, Tổng thống Macron đang muốn Pháp trở thành đầu tàu mới. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ đối với liên minh quân sự phương Tây là không thể thay thế trong việc so kè ảnh hưởng với Nga.
Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã mô tả liên minh quân sự đáng tự hào nhất của phương Tây – NATO – đang bị “chết não”. Ông cho rằng, ở thời điểm hiện tại, với những thay đổi về thời thế, người châu Âu không thể chỉ dựa vào Mỹ để bảo vệ các đồng minh.
Sẽ có nhiều người đồng tình về quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, đặc biệt khi liên minh đang vấp phải những mâu thuẫn không thể dung hòa với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, bình luận viên Robert E. Hunter của tờ LobeLog tin rằng, vấn đề không phải là NATO “chết não”, mà khối quân sự này đang thiếu đi một nhà lãnh đạo. Hay nói cách khác, liên minh phương Tây giờ đây đang như “rắn mất đầu”.
Là người đích thân lên tiếng trăn trở về tương lai của NATO, nhưng Tổng thống Macron sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nói trên.
Cho đến lúc này, các thành viên liên minh vẫn lo lắng về việc Tổng thống Trump sẽ không muốn tuân thủ Điều 5 của Hiệp ước NATO, về việc sẽ bảo vệ các đồng minh trong trường hợp gặp phải tấn công.
Thậm chí, Tổng thống Trump gần như sẽ tiếp tục chỉ trích hầu hết các thành viên NATO một lần nữa vì đã không đóng góp phần chi phí quốc phòng ở mức 2% GDP mà ông cho là “công bằng" với những gì Mỹ bỏ ra cho liên minh.
Hiện tại chỉ có khoảng 7 trong số 29 đồng minh nâng mức chi phí quốc phòng lên cao theo đúng ý nhà lãnh đạo Mỹ, trong khi các quốc gia khác chỉ cam kết sẽ tăng ngân sách quân sự trong khoảng một thập kỷ nữa hoặc lâu hơn.
Người Pháp trỗi dậy?
Tổng thống Macron lên tiếng không phải vì ông quan tâm đến NATO hay muốn giúp khối quân sự này “sống lại”, mà vì ông thấy đây là một cơ hội để tăng ảnh hưởng của Pháp, cũng như thúc đẩy vai trò lãnh đạo của mình trên sân khấu thế giới.
Tuy nhiên, bình luận viên Robert E. Hunter tin rằng, không có cơ hội nào cho Pháp thay thế Mỹ trở thành lãnh đạo của liên minh, mặc dù lúc này các thành viên đồng minh đang mất niềm tin về nước Mỹ của ông Trump, với những bất ổn chính trị trong nước và sự kiện luận tội.
Một trong những sáng kiến quan trọng nhất của Pháp là nỗ lực tăng cường sức mạnh cho NATO bằng một lực lượng quân sự dựa trên nền tảng của châu Âu. Nhưng kế hoạch về một đội quân châu Âu vẫn còn mơ hồ và quốc gia nào sẽ lãnh đạo đội quân vẫn còn là một dấu hỏi.
Với sáng kiến này, Tổng thống Pháp thực sự đang cố gắng lấp đầy một khoảng trống lớn trong an ninh châu Âu do sự ra đi của Anh khỏi EU.
Mặc dù Vương quốc Anh vẫn sẽ là thành viên của NATO nhưng quốc gia này sẽ không còn liên quan đến Chính sách Đối ngoại và An ninh chung của EU; sẽ không còn có thể đóng vai trò trung gian trong các mối quan hệ Pháp-Đức.
Và London sẽ không còn là một phần trong những nỗ lực của EU nhằm củng cố sự gắn kết với các quốc gia Trung Âu và Ukraine bằng các công cụ kinh tế và thúc đẩy dân chủ. Không ngạc nhiên khi Brexit luôn là một tin vui đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Không ai có thể thay thế Mỹ?
Tổng thống Macron hiểu rằng, khi nói đến bất kỳ đòn bẩy đáng kể nào đối với an ninh châu Âu – đặc biệt là trong cuộc đối đầu ảnh hưởng ngày càng lớn với Nga - không kịch bản nào hoàn hảo hơn việc Mỹ tham gia với tư cách một thành viên đầy đủ.
Tổng thống Macron đang đánh cược rằng, Mỹ vì lợi ích của riêng mình sẽ không đứng ngoài cuộc nếu có mối đe dọa an ninh thực sự đối với các đồng minh. Theo các nhà phân tích, bất chấp tất cả các lo ngại về lập trường mơ hồ của ông Trump, đó là một vụ đánh cược khá an toàn.
Hơn nữa, ông Macron muốn liên minh đảm nhận một số gánh nặng an ninh của Pháp ở Châu Phi, nơi mà họ đã phải chịu tổn thất trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình ở Mali.
Và điều này rất quan trọng đối với uy tín của nhà lãnh đạo Pháp. Ông cũng muốn kiểm tra xem rốt cuộc liên minh sẽ có khả năng vươn rộng tầm hoạt động của mình ở bao xa, đặc biệt là sau khi Mỹ ngày càng cho thấy sự rút lui ở Trung Đông.
Về cơ bản, NATO vẫn là sợi dây gắn kết quan trọng khi nói về tình đoàn kết của phương Tây, giữa châu Âu và Mỹ. Châu Âu muốn ít nhất là có một liên minh để gây dựng sức mạnh ở nhiều khu vực, như Trung Đông để đảm bảo ổn định và xây dựng niềm tin an ninh.
Mặc dù ông Trump và một số cá nhân hoài nghi về NATO có thể không có cùng suy nghĩ với châu Âu, nhưng cam kết chắc chắn của Mỹ đối với liên minh là điều cần thiết, bởi người châu Âu là những khách hàng lớn nhất về chính trị, kinh tế đối với Mỹ.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, sự vô tâm của ông Trump đối với NATO đã không làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, thậm chí nó còn đang làm suy yếu chính nước Mỹ.