Thiếu nguồn nước tưới, người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê sản xuất lúa đánh cược với trời
Nằm trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh), hệ thống thủy lợi nội đồng không được đầu tư nên bà con xã Đỉnh Bàn sản xuất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Như vụ mùa năm nay, bà con đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nguồn nước tưới trầm trọng.
Video: Người dân phản ánh tình trạng lúa bị khô hạn.
Thời điểm này, nhiều hộ dân đang trong cảnh “buồn rười rượi” bởi ruộng đồng khô khốc, vụ lúa mùa phát triển chậm, cây lúa còi cọc, cháy lá do thiếu nguồn nước tưới dưỡng.
Dẫn chúng tôi đến mảnh ruộng khô cằn, lúa còi cọc, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Vĩnh Hòa) ngán ngẩm vì 5 sào lúa mùa của gia đình được gieo từ cuối tháng 7 nhưng đến nay phát triển rất chậm, ruộng đồng như bãi cỏ hoang.
Chị Thủy chia sẻ: “Khác với những vùng khác trong tỉnh, ở xã Đỉnh Bàn chúng tôi sản xuất lúa gồm vụ xuân và vụ mùa thay cho vụ hè thu vì phụ thuộc vào nước trời. Những năm trước, vụ mùa có mưa nhiều lúa còn đỡ còi cọc, còn năm nay hạn đến sớm và kéo dài, trời rất ít mưa nên chúng tôi đành bất lực nhìn lúa bị khô cháy dần".
Theo chị Thủy, trước mắt, bà con mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm nguồn giống, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo tưới tiêu. Về lâu dài, đề nghị dừng hẳn khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cách đó không xa, chị Đậu Thị Hiền (thôn Vĩnh Hòa) cũng thở dài, bởi 6 sào lúa mùa không thể phát triển vì thiếu nước. Chị Hiền tâm sự: “Nhiều năm nay, khu vực này không có kênh mương thủy lợi, mùa vụ gieo trồng phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Vụ này xuống giống được hơn một tháng thì nắng hạn kéo dài nên lúa không phát triển được".
Thời điểm này, chị Hiền cũng như bà con thôn Vĩnh Hòa đang tranh thủ làm cỏ và trông có mưa nặng hạt để “hồi sinh” những diện tích đã gieo trồng nhằm vớt vát chút ít. Được biết, vụ lúa mùa năm nay, thôn Vĩnh Hòa gieo trồng 20 ha nhưng có nguy cơ mất trắng bởi đến thời điểm này, cây lúa vẫn không phát triển, nhiều diện tích đã bị khô cháy.
Vụ lúa mùa của bà con nông dân xã Đỉnh Bàn thường bắt đầu từ cuối tháng 7 và thu hoạch vào cuối tháng 10 dương lịch. Sở dĩ lịch thời vụ của bà con khác với lịch chung của tỉnh là do hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn không được cải tạo, nâng cấp do vướng quy hoạch dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Ngoài ra, nguồn nước ngầm bị tụt từ hệ lụy khai thác mỏ sắt trước đây càng khiến các cánh đồng thêm bạc màu, trơ trụi.
Tại thôn Trường Xuân, tình trạng khô hạn còn diễn ra nghiêm trọng hơn, bởi không có nước tưới nên phần lớn diện tích lúa trên địa bàn đã khô cháy, ruộng đồng như bị sa mạc hóa.
Bà Trần Ngọc Lành chia sẻ: “Sản xuất lúa vụ mùa phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời nên bà con cũng xác định đánh cược với trời, vụ được mùa thì đạt khoảng 1 tạ/sào, còn như năm nay thì nguy cơ mất trắng”.
Gia đình bà Lành canh tác trên 6 sào ruộng, ngoài ra, chỉ nuôi 2 con bò, vài ba con gà… nên nguồn thu nhập rất khó khăn. “Từ khi gieo xong đến giờ, tôi thường xuyên ra thăm ruộng và mong trời mưa để cây lúa sinh trưởng. Thế nhưng, đến thời điểm này, ruộng đồng khô cứng, cây lúa héo úa, chúng tôi chẳng còn hy vọng gì nữa” - bà Lành than thở.
Được biết, toàn xã Đỉnh Bàn có 220 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng lúa là 137 ha. Vụ xuân có mưa nhiều nên lúa và hoa màu thoát được cảnh khô hạn nhưng năng suất cũng chẳng được bao nhiêu, riêng lúa đạt khoảng 1,7 - 2 tạ/sào. Còn vụ mùa, năm được mùa đạt khoảng 1 tạ/sào, như năm nay thì nguy cơ mất trắng. Các thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng gồm: Vĩnh Hòa, Trường Xuân và Văn Sơn.
Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn thông tin: "Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay khi hệ thống kênh mương vốn đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được đầu tư khiến nguồn nước tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Dù vậy, đây vẫn là diện tích trồng lúa chính của xã, do đó, chúng tôi đã thay đổi khung thời vụ muộn hơn so với tỉnh để bà con có thể tận dụng nguồn nước mưa. Tuy nhiên, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lúa bị khô cháy, vụ mùa này bà con gieo hơn 60 ha xem như mất trắng. Địa phương mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ của cấp trên để cải tạo hệ thống kênh mương, giúp người dân duy trì sinh kế".
Sản xuất nông nghiệp muốn hiệu quả thì quan trọng nhất là hệ thống thủy lợi phải được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, tại xã Đỉnh Bàn, do vướng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê nên huyện cũng như địa phương không thể đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, mặc dù trước đó chúng tôi đã xây dựng phương án dẫn nước Kẻ Gỗ từ xã Thạch Khê về phục vụ bà con gieo trỉa lúa.
Mong muốn lớn nhất của người dân cũng như địa phương là cần dứt điểm chủ trương dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để ổn định tư tưởng, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà