Thiếu nguyên liệu thức ăn gia súc

Một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng hằng năm lại phải nhập khẩu hàng tỉ USD nguyên liệu nông sản cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi

Việt Nam hiện có trên 240 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với sản lượng lên tới 9,5 triệu tấn (năm 2009). Tuy nhiên, ở nước ta hầu như vắng bóng các vùng nguyên liệu tập trung.

Bước đầu đã hình thành được các vùng nguyên liệu bắp. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhập khẩu gần 1,6 tỉ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Theo số liệu của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, ước tính năm 2010, VN phải nhập khoảng 1,6 triệu tấn bắp, tăng 350.000 tấn so với năm 2009. Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm khác như đậu tương, khô dầu phải nhập 90%-95%; premix khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi nhập khẩu 95%-98%, thậm chí 100%. Tính đến 9 tháng đầu năm 2010, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đã phải nhập khẩu gần 1,6 tỉ USD nguyên liệu. Hiện, VN là một trong 5 nước phải nhập khẩu một số loại nông sản lớn nhất khu vực châu Á.

Khẳng định rằng điều trên là một nghịch lý, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cho biết: VN được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có thể tự sản xuất được những nguyên liệu đầu vào hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn lâm vào tình trạng đói nguyên liệu, thường xuyên nhập khẩu với số lượng lớn. Các nhà máy đang phải nhập khẩu tới trên 50% lượng nguyên liệu từ nước ngoài.

Ổn định nguồn nguyên liệu, bao giờ?

Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định là điều kiện tiên quyết. Việc này đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên theo nhận định của ông Lê Bá Lịch, đến nay hầu như cả nước vẫn chưa có một vùng nguyên liệu tập trung nào. Diện tích trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu vẫn manh mún nhỏ lẻ, tự phát. Vì thế, ông kiến nghị việc cần phải làm ngay là phân bố lại quỹ đất, đầu tư quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng ngành thức ăn chăn nuôi cần nhiều sự quan tâm hơn từ phía các bộ, ngành trong giai đoạn khó khăn này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, cho biết: Đa số các loại nguyên liệu phải nhập khẩu chủ yếu chỉ là những nông sản không phải thế mạnh của VN, nếu sản xuất trong nước, giá thành còn cao hơn nhập khẩu như khô dầu, đậu tương và các loại vitamin khác. Riêng về bắp, bước đầu đã hình thành được một số vùng nguyên liệu để có thể tiến tới việc giảm và chấm dứt hẳn việc nhập khẩu.

Hiện, những sản phẩm bắp, đậu tương biến đổi gien đã được phát triển và nhân giống mạnh. Song, việc áp dụng và trồng những loại này ở VN vẫn mới chỉ ở mức nghiên cứu khả thi, khảo nghiệm chứ chưa mở rộng canh tác đại trà. Trong khi đó, phát triển sản phẩm biến đổi gien, cho năng suất cao sẽ kích thích nông dân chuyển sang trồng những loại cây này. Đến nay, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương trồng bắp biến đổi gien trên các diện tích trồng thử như ở Văn Giang (Hưng Yên) và một vài nơi khác ở Đông Nam Bộ, giống bắp mới đã cho năng suất khá cao, gấp đôi so với năng suất bắp lai.

Đầu tư chưa tương xứng

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tuy đầu tư cho ngành chăn nuôi vẫn chưa tương xứng với khả năng (hằng năm ngành đóng góp tỉ trọng 27%-28% cho nông nghiệp, song tỉ lệ đầu tư cho ngành chỉ khoảng dưới 10%) nhưng ngành chăn nuôi đã nhận được sự quan tâm. Trước mắt, Nhà nước đã có những chính sách giảm thuế nhập khẩu (thuế khô dầu, đậu tương hiện nay là 0%, bắp 5%), thuế bến cảng, cầu đường... Về lâu dài, chúng ta đang tiến tới việc xây dựng các vùng nguyên liệu, áp dụng các biện pháp để tăng năng suất, mạnh dạn sử dụng các giống có năng suất cao, kể cả các giống biến đổi gien để hạn chế nhập khẩu.

Khánh Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/201010101023769p0c1014/thieu-nguyen-lieu-thuc-an-gia-suc.htm