Thiếu nước sinh hoạt ở Tuần Giáo

ĐBP - Với địa hình nhiều khe suối, nguồn nước ngầm tự nhiên tưởng chừng như vấn đề nước sinh hoạt (NSH) không phải là nỗi lo với huyện cửa ngõ Tuần Giáo. Tuy nhiên, thực tiễn ở các xã, bản, nhất là vùng cao, vùng sâu, tình trạng thiếu NSH diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, nhu cầu cuộc sống của nhân dân.

Nhiều công trình NSH trên địa bàn xã Phình Sáng đã hư hỏng, không còn khả năng sử dụng.

Vùng cao “khát” nước

Có mặt tại bản Nậm Din, xã Phình Sáng những ngày này, từ sáng sớm tại đoạn suối nhỏ Nậm Din đã có nhiều người dân giặt giũ, tắm rửa, rồi dùng xô, chậu lấy nước về nhà để sử dụng ăn uống, sinh hoạt. Anh Giàng A Chứ, Trưởng bản Nậm Din chia sẻ: “Năm 2013, bản được Nhà nước đầu tư trạm bơm NSH, nhưng từ năm 2018 đến nay do ảnh hưởng của mưa lũ nên trạm bơm đã hư hỏng hoàn toàn, không còn sử dụng. Để có NSH người dân phải lặn lội vài cây số đường rừng mang can nhựa, gùi... lên khe suối lấy. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt không đi được xe máy, người dân phải “cõng nước suối” trên lưng mang về. Nhiều hộ có điều kiện hơn thì đầu tư ống nhựa, máy bơm, đường dây điện dẫn nước từ khe suối về; tuy nhiên chi phí cao, nguồn nước suối không đảm bảo vệ sinh, bị ô nhiễm do người dân chăn thả trâu, bò ở khu vực này. Bà con luôn mong muốn sớm có nguồn NSH đảm bảo vệ sinh được kéo về bản, thuận lợi cho sinh hoạt hàng ngày.

Rời Nậm Din, chúng tôi tiếp tục về xã Ta Ma, tại đây tình trạng thiếu NSH diễn ra khá trầm trọng, nhất là vào thời điểm từ tháng 11 tới tháng 4 (năm sau). Ông Tòng Văn Nghiến, Bí thư Đảng ủy xã Ta Ma chia sẻ: “Xã đã được đầu tư xây dựng 8 công trình NSH tại các thôn, bản, đảm bảo NSH cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, những năm qua do thiếu nguồn nước tại các đầu mối, đặc biệt là thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn làm đứt gãy, hư hỏng đường ống dẫn nước; các công trình bị hư hỏng và hiện không thể cấp nước”. Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã, bản, nhân dân trong xã đã có đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo cấp trên, tuy nhiên đến nay các công trình vẫn chưa được tu sửa, trong khi nhu cầu sử dụng nước là rất cấp thiết. Tại các bản thiếu nước trầm trọng: Háng Chua, Thớ Tỷ, Kề Cải, Phình Cứ... một bộ phận người dân do không có tiền mua ống dẫn NSH đành phải lấy chậu, xô để hứng nước mưa hoặc ra suối lấy nước về sử dụng dù biết nguồn nước này nhiễm bẩn, không đảm bảo vệ sinh.

Cần những giải pháp cấp bách

Do được đầu tư từ năm 1995 nên nhiều công trình NSH ở các xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã xuống cấp, không phát huy công năng sử dụng. Nhiều công trình có tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá hiểm trở và cách xa khu dân cư khó khăn cho việc vận hành, bảo quản. Cùng với đó, thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên khiến công trình hư hỏng; công tác quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác công trình sau đầu tư ở một số xã, bản chưa thực sự được quan tâm; các công trình chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt người dân.

Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 140 công trình cấp NSH nông thôn tập trung. Nhìn chung các công trình đã cơ bản đáp ứng nhu cầu NSH cho người dân. Tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 21,3%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 71,6%. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân nông thôn chủ yếu là nước mặt (lấy tại các khe, suối) chiếm trên 95%; số còn lại người dân sử dụng nước ngầm tại các vùng thấp có thể khoan được giếng và tích trữ nước mưa để sử dụng sinh hoạt.

Để giải quyết tình trạng thiếu NSH cho người dân ở vùng cao, nhất là trong mùa khô hạn; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước tại đầu mối các công trình cấp NSH. Vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn tham gia nạo vét, sửa chữa đường ống, cụm đấu nối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào; giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt... Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước. Đối với vùng nông thôn chuẩn bị các thùng nước, téc nước, lu nhựa để hứng nước mưa dự trữ NSH nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu NSH vào mùa khô.

Căn cứ hiện trạng công trình cấp NSH nông thôn tập trung trên địa bàn, nhiều công trình đã hết thời gian khấu hao (khoảng 35 công trình cần nâng cấp, sửa chữa); huyện ưu tiên nâng cấp sửa chữa công trình NSH đối với các vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất 11 công trình NSH thuộc 7 xã: Pú Xi, Tênh Phông, Mường Thín, Mùn Chung, Chiềng Sinh, Quài Nưa, Quài Cang kinh phí 32 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước lớn có quy mô liên bản bằng nguồn vốn thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới. Gồm công trình nâng cấp, sửa chữa nước sinh hoạt trung tâm xã Quài Nưa, xã Nà Sáy, xã Pú Nhung, xã Quài Tở và các bản lân cận đã được xây dựng xong và đang tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng. Hiện tỉnh giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường quản lý, khai thác.

Hi vọng rằng, bằng những giải pháp căn cơ, đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng thiếu NSH trên địa bàn huyện Tuần Giáo nói chung, các xã vùng cao, vùng sâu nói riêng sẽ được cải thiện. Từ đó, góp phần đảm bảo cuộc sống, tăng tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192347/thieu-nuoc-sinh-hoat-o-tuan-giao