Thiếu quy chuẩn, việc đưa đón học sinh mỗi nơi một kiểu

Dù xảy ra nhiều vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón, thậm chí đã có những hậu quả thương tâm, trẻ bị tử vong, nhưng đến nay vẫn chưa có những quy định, quy chuẩn rõ ràng về việc đưa đón học sinh tại các trường.

Những ngày qua, vụ việc về cháu bé T.G.H (5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm nom suốt hơn 10 tiếng đồng hồ dẫn đến tử vong khiến dư luận không khỏi xót xa, bàng hoàng lẫn bức xúc.

Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình cũng đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người để điều tra.

Chiếc xe cháu bé bị bỏ quên dẫn đến tử vong. (Ảnh: TTXVN)

Chiếc xe cháu bé bị bỏ quên dẫn đến tử vong. (Ảnh: TTXVN)

Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Thái Bình cũng gợi lại nỗi đau hơn 4 năm về trước, khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên tựu trường khiến bé tử vong. Điểm trùng hợp của cả 2 sự việc là đều có sự tắc trách của quản lý học sinh và giáo viên.

Cần xây dựng quy trình đưa đón trẻ thống nhất

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một việc vô cùng quan trọng, nếu không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Việc đưa đón đến trường cũng vậy, cần có quy chuẩn, quy định rõ ràng, phù hợp với thực tế để các trường thực hiện đồng loạt, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Theo chuyên gia, từ năm 2019 khi xảy ra vụ việc tương tự tại Trường Gateway (Hà Nội), đã 5 năm nhưng vẫn chưa có bất kỳ một quy định cụ thể nào về quy chuẩn đưa đón học sinh.

Theo TS Vũ Thu Hương, với những người lái xe đưa đón học sinh thì việc am hiểu về tâm lý trẻ em là điều rất quan trọng. Việc lái xe đưa đón trẻ cũng hoàn toàn khác với lái xe khi chở hàng hóa hay người lớn từ tốc độ đến cách xử lý tình huống trên đường.

Bên cạnh đó, ở nhiều nước, các xe đưa đón học sinh đều có hình thức nhận dạng riêng, đặc thù dễ nhận biết đó là xe đưa đón học sinh. Những xe này cũng có chế độ và quy chuẩn riêng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học đưa đón, chăm sóc trẻ trên xe cũng cần có bằng cấp điều dưỡng, biết sơ cứu kịp thời trong các tình huống bất thường, khẩn cấp.

“Một quy trình đưa đón học sinh thường là các cô sẽ có bảng điểm danh theo ngày, bảng điểm danh đó phải có chữ ký của phụ huynh tương ứng với đúng với tên trẻ. Giấy điểm danh đó được bàn giao đến các vị trí khác trong suốt các khâu đưa đón trẻ trong ngày. Chỉ khi có một quy trình nghiêm túc từ đầu đến cuối mới có thể kiểm soát tốt và hạn chế những vụ việc tương tự tái diễn.

Từ những sự việc này có thể thấy trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi nhà trường, bởi khi chưa có quy định rõ ràng, để thả nổi, mỗi trường sẽ làm một kiểu theo thói quen, thích thì làm, không thích sẽ bỏ qua. Khi xảy ra sự cố, những cá nhân liên quan đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng những người đứng đầu lại không gặp vấn đề gì nghiêm trọng.

Trong sự việc này, ở những cấp quản lý cao hơn từ Bộ GD-ĐT, Bộ GTVT... phải có quy định hết sức rõ ràng về quy chuẩn xe đưa đón học sinh”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức khi xảy ra sai phạm trong quá trình đưa đón trẻ

Chuyên gia này khuyến cáo nên xem xét quy định lái xe đưa đón học sinh ngoài bằng lái, cần có chứng chỉ đã tham gia các khóa học về tâm lý trẻ em ít nhất từ 3 tháng. Tương tự, nhân viên đưa đón trẻ cũng cần hiểu về tâm lý trẻ cũng như có bằng cấp, kỹ năng sơ cứu cơ bản trong những tình huống khẩn cấp. Quy trình này sẽ được thống nhất trên cả nước chứ không theo từng trường và đòi hỏi phải có sự tuân thủ nghiêm túc từ phía tất cả các đơn vị thực hiện.

Ngoài những quy định cần có, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng cần thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra đột xuất, có thể phát hiện ra những lỗi hay những sai phạm trong quá trình đưa đón học sinh tại các trường học.

Trong vụ việc đau lòng này, trách nhiệm từ phía nhà trường là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cần làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường, phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT địa phương để xảy ra vụ việc.

Bên cạnh những quy chuẩn, quy trình, cũng cần có quy định làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, không được để tình trạng “thích thì làm, không thích thì thôi” diễn ra.

Nguyễn Trang-CTV Linh Thương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-quy-chuan-viec-dua-don-hoc-sinh-moi-noi-mot-kieu-post1098935.vov