Thiếu rào cản pháp lý để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới

Quản lý các sản phẩm thuốc lá mới cũng chính là tạo điều kiện để thực thi hiệu quả các biện pháp siết chặt và kiểm soát mức độ lưu thông mặt hàng này, đồng thời lập nên hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi loại thuốc lá.

Kết quả khảo sát hơn 1.000 thiếu niên tuổi từ 14-18, đang học tại các trường THCS và THPT ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy, tỷ lệ học sinh THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội đã từng sử dụng thuốc lá là 21,3%. Trong đó tỷ lệ đã từng sử dụng thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng lần lượt là 8,7%; 18,4% và 4,5%.

Đánh giá kết quả khảo sát này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường Sức khỏe (CHERAD) cho rằng, tỷ lệ học sinh cấp THPT và THCS có nhận thức về mức độ tác hại của thuốc lá nói chung là khá cao, tuy vậy, tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá vẫn cao. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề xuất ra soát lại các biện pháp tuyên truyền và các quy định xử phạt hành vi hút thuốc lá ở giới trẻ.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường Sức khỏe

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển môi trường Sức khỏe

“Về mặt chính sách, cần cập nhật các khái niệm về thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hoặc các sản phẩm có chứa nicotine trong các văn bản pháp luật về quản lý thuốc lá. Thúc đẩy các chính sách về quản lý quảng cáo, mua bán các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là qua các kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý, thực thi nghiêm minh các quy định xử phạt đối với trẻ vị thành niên sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào. Về giáo dục, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của nicotine đối với thể chất, não bộ, các tác hại tiêu cực đối với sức khỏe từ việc sử dụng. Cùng với đó là thành lập các nhóm hỗ trợ thanh thiếu niên cai thuốc lá, tổ chức hoạt động thể chất nhiều hơn ở nhà và trường học nhằm giải tỏa căng thẳng, giúp trẻ hạn chế sử dụng thuốc lá. Trong môi trường học đường, có thể cân nhắc các mức phạt nghiêm khắc hơn đối với học sinh sử dụng thuốc lá”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Tham dự Tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận thuốc lá mới” và đánh giá kết quả cuộc khảo sát, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, số liệu khảo sát cho thấy vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh có nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của thuốc lá mới.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đại điện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh sự cần thiết một hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lí, ngăn chặn và giảm thiểu những tác hại, sự tiếp cận của giới trẻ đối với các sản phẩm thuốc lá mới trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều kiến nghị cần phải quản lý các sản phẩm thuốc lá mới trong bối cảnh thuốc lá điếu vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp có điều kiện. Việc quản lý các sản phẩm thuốc lá mới cũng chính là tạo điều kiện để thực thi hiệu quả các biện pháp siết chặt và kiểm soát mức độ lưu thông mặt hàng này, đồng thời lập nên hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với mọi loại thuốc lá.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá là cần thiết, không chỉ giáo dục trẻ sớm về việc không được phép cầm, sờ, thử, hoặc hút thuốc lá mà còn cần sự đồng hành của phụ huynh để tránh cho con em bị lôi kéo, dụ dỗ. Các chuyên gia cũng khẳng định, nhà trường chỉ là một phần của giải pháp và chỉ có thể áp dụng khi giới trẻ vẫn còn trong khuôn khổ quản lý của trường. Tuy nhiên, cần nhất là các rào chắn pháp lý vững chắc được thực thi nghiêm minh để dù ở trong môi trường học đường hay ngoài xã hội, chỉ cần nhìn thấy điếu thuốc truyền thống hay thiết bị thuốc lá mới thì tất cả những người trẻ tuổi đều phải tránh xa.

Đại diện cho cơ quan thẩm định pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ quan điểm: “Tôi rất đồng tình với đại diện của Bộ GD-ĐT, một khi đã là thuốc lá thì dù là loại truyền thống hay là thế hệ mới thì chúng ta đều phải quản lý nó một cách rất ngặt nghèo đối với đối tượng học sinh trong học đường”.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Dưới góc độ của một chuyên gia về pháp lý, ông Hải cũng cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc ngăn chặn học sinh, sinh viên trong học đường tiếp cận các sản phẩm thuốc lá là đã có quy định rất đầy đủ, tuy nhiên khâu thực thi vẫn còn yếu. Do đó, các bộ ngành liên quan cần phải khẩn trương trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các cái văn bản quy phạm pháp luật, và Chính phủ có thể hoàn toàn ban hành Nghị định sửa đổi để đưa mặt hàng thuốc lá mới vào để quản lý chặt chẽ.

“Vì vậy cần phải có một lực lượng chuyên trách xử lý vấn đề này. Ví dụ như trong luật đã có đầy đủ các quy định cấm hút thuốc trong phòng học, trong nhà trường đối với học sinh dưới 18 tuổi. Thậm chí học sinh dưới 16 tuổi thì còn không được hút cả trong khuôn viên của trường học. Đồng thời cũng có các quy định về xử lý, xử phạt đối với việc quảng cáo thuốc lá, hoặc là cho trẻ em đi mua thuốc lá…”, ông Hải nhấn mạnh.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-rao-can-phap-ly-de-ngan-chan-gioi-tre-tiep-can-thuoc-la-moi-post1040166.vov