Thiếu sót, vi phạm trong quản lý nhà nước về giáo dục tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và kiến nghị nhiều nội dung đối với UBND tỉnh, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ trên.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 36/KL-TTr về trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN)về giáo dục của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trên địa bàn tỉnh có 461 cơ sở giáo dục, gồm: 194 trường Mầm non (117 công lập, 77 ngoài công lập) và 264 nhóm trẻ tư thục); 138 trường Tiểu học (133 công lập, 2 trường khuyết tật trực thuộc Sở GD-ĐT, 2 trường ngoài công lập và 1 trường tư thục khuyết tật trí tuệ Mai Linh – Châu Đức); 91 trường THCS và 38 Trường THPT… 205 trung tâm ngoại ngữ, tin học… Tại thời điểm thanh tra, toàn tỉnh có 13.226 giáo viên Mầm non, phổ thông.
Qua thanh tra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những ưu điểm trong tham mưu, ban hành chính sách, quy định về giáo dục thuộc trách nhiệm QLNN của UBND tỉnh; quy mô cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được UBND tỉnh chỉ đạo rà soát cơ cấu, số lượng, vị trí việc làm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học; UBND tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện quỹ tiền lương theo biên chế thực tế và đáp ứng được nguồn kinh phí chi hoạt động chuyên môn tại các đơn vị; trong thời kỳ thanh tra, không có tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính về giáo dục.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong QLNN về giáo dục của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể: năm 2022 còn 1.410 chỉ tiêu; năm 2023 còn 1.297 chỉ tiêu biên chế chưa thực hiện tuyển dụng. Tổng số giáo viên còn thiếu so với định mức theo quy định tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT: năm 2022 thiếu 1.180 giáo viên (trong đó: giáo viên Mầm non (MN) 260, giáo viên Tiểu học (TH): 554; Trung học cơ sở (THCS): 217; Trung học phổ thông (THPT): 109; Tổng phụ trách Đội: 40); năm 2023 thiếu 1.095 giáo viên (trong đó: MN: 261; TH: 481; THCS: 195; THPT: 117; Tổng phụ trách Đội: 41).
Bên cạnh đó, năm 2022, 2023, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa cử giáo viên đào tạo nâng chuẩn trình độ chuẩn theo kế hoạch. Chưa tổng hợp, đánh giá cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đã được chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và có quyết định cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia quá 5 năm theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT.
Cũng tại KLTT, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác QLNN về giáo dục của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập theo Điều 37 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Một số cơ sở giáo dục được kiểm tra chưa bảo đảm định mức chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu 19% với tổng chi sự nghiệp sự giáo dục theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, Thanh tra tỉnh chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về giáo dục đối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21.9.2018 của Chính phủ.
Theo KLTT, trách nhiệm của các vi phạm trên thuộc về UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều nội dung như: thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP đáp ứng nhu cầu đội ngũ; chỉ đạo thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức nhân viên trường học theo quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-BNV ngày 27.6.2024 của Bộ Nội vụ; xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ giáo vụ mầm non, giáo dục phổ thông, cao đẳng sư phạm… thuộc phạm vi quản lý theo Thông tư số 14/2024/TT-BGDĐT ngày 31.10.2024 của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó là các kiến nghị việc thực hiện các khoản thu hợp pháp đối với các cơ sở giáo dục, việc bảo đảm tỷ lệ chi trong cơ sở giáo dục công lập và các hoạt động giáo dục: đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng biên soạn tài liệu giáo dục địa phương kịp thời để triển khai thực hiện theo quy định…