Thiếu sự giám sát tại Dự án Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tiên Phước
Nhằm tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, từng bước phục hồi đa dạng sinh học trong khu vực và hạn chế xảy ra thiên tai, lũ lụt, Ban Quản lý (BQL) Dự án trồng rừng huyện Tiên Phước (Quảng Nam) được giao thực hiện Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở 3 xã Tiên Lãnh, Tiên Cảnh, Tiên Ngọc. Thế nhưng theo phản ánh của người dân, dự án trên hiệu quả không khả thi. Nghiêm trọng hơn, có những khu vực người dân nhận cây giống không trồng mà vứt bỏ khắp rừng...
Trồng rừng lấy… lệ?
Theo phản ánh và chỉ dẫn của người dân, những ngày đầu tuần, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận khu vực rừng phòng hộ đầu nguồi Sông Tranh (thuộc địa phận thôn 5, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước). Từ trung tâm xã Tiên Lãnh, sau 30 phút đi xe máy, khi đến những đỉnh dốc cao không thể tiếp tục dùng phương tiện di chuyển, chúng tôi bắt đầu đi bộ. Vượt qua những đồi dốc trước đây từng là rừng tự nhiên, nay đã trở thành rẫy keo của người dân, sau hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi mới đến khu vực tiếp giáp giữa rừng keo và rừng tự nhiên ít ỏi còn sót lại.
Qua tìm hiểu được biết, đây là khu vực thuộc khoảnh 3, Tiểu khu 551. Tại khu vực này giữa năm 2021 “bất ngờ” xảy ra vụ cháy rừng tự nhiên khiến hàng chục héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tranh bị thiêu trụi. Sau đó, Phòng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tiên Phước phối hợp với UBND xã Tiên Lãnh triển khai Dự án trồng rừng phòng hộ tại đây. Theo đó, UBND xã Tiên Lãnh có trách nhiệm chọn 3 hộ dân (gồm: hộ ông Dư Văn Chính – Trưởng thôn 5, hộ Võ Ngọc Diệp và hộ Từ Văn Tiếp) để giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với diện tích 18ha.
Qua quan sát hiện trường khu vực rừng thuộc dự án cho thấy, số cây giống như lim, sao đen thưa thớt xen lẩn, nằm lấp dưới những tán rừng keo cao lớn. Có những cây giống bị những hộ nhận chăm sóc phát thực bì phát đứt ngang thân cây, có những nơi cả sao đen và lim được trồng chung một vị trí. Bên cạnh đó, những cây giống được trồng cũng không theo các giải pháp kỹ thuật được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Cụ thể, theo phê duyệt, thực bì được xử lý theo băng song song với đường đồng mức, chặt toàn bộ cây bụi, dây leo, để lại cây gỗ và cây tái sinh; băng chặt rộng 2 mét, băng chừa rộng 1 mét; hố trồng bố trí so le theo hình nanh sấu, kích thước hố 40 x 40 x 40cm trở lên… Trong khi đó, thực tế chúng tôi nhận thấy, cây giống chỉ được trồng trong lỗ nhỏ, kích thước chưa được 20cm, vậy nên cây cằn còi, phát triển kém. Đường băng các loại như phê duyệt cũng không có, không xử lý thực bì khiến cây keo tái sinh, phát triển rất mạnh; nhìn vào cánh rừng ai cũng nghĩ đây là rừng keo chứ không biết đó là rừng trồng cây bản địa.
Cũng theo phản ánh của người dân, số cây giống được trồng theo kiểu “lấy lệ”, số còn lại vứt bỏ khắp nơi. Từ thông tin này, chúng tôi đã tìm kiếm quanh khu vực dự án và nhận thấy phản ánh của người dân là đúng. Cụ thể, chúng tôi phát hiện hàng trăm cây sao đen vẫn còn nguyên trong bầu bị vứt bỏ thành đống nằm lẩn dưới tán cây keo. Trái ngược với những cây sao đen được trồng nhìn cằn cỗi, kém phát triển, còn những cây này nằm sát nhau, không có người chăm sóc nhưng phát triển rất mạnh mẽ…
Ngành chức năng nói gì?
Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Sang - Chủ tịch xã Tiên Lãnh cho hay, khu vực này trước đây người dân phá rừng để trồng keo. Sau đó chủ đầu tư là Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với địa phương giao cho nhóm hộ trồng cây lim, sao đen nhằm phục hồi rừng. “Qua kiểm tra thì có hiện tượng các hộ dân phát thực bì không chú ý làm chết một số cây. Tỷ lệ cây sống ít nên yêu cầu phải trồng trở lại. Còn việc người dân vứt bỏ cây giống như phóng viên phản ánh thì địa phương không phát hiện”- ông Sang nói.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án là Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước thông tin thêm, Dự án trồng rừng phòng hộ trên với diện 56,5ha, được Sở NN&PTNT phê duyệt cuối năm 2021; trong đó xã Tiên Lãnh 18ha, xã Tiên Ngọc 8,5ha và xã Tiên Cảnh 30ha. Kinh phí đầu tư trồng và chăm sóc là 17 triệu đồng/ha; trong đó công trồng và 3 năm chăm sóc là 8 triệu đồng, số tiền còn lại là cây giống và tiền vận chuyển; giao cho 11 hộ (Tiên Lãnh 3 hộ, Tiên Ngọc 2 hộ và Tiên Cảnh 6 hộ). Giá một cây lim giống hơn 10.000 đồng, cây sao đen giá từ 3 đến 4.000 đồng. Mật độ 1.000 đến 1.100 cây/ha.
Khi được hỏi tại sao khi trồng chủ đầu tư không thực hiện theo các giải pháp kỹ thuật được phê duyệt, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho rằng, khu vực này do đặc thù đồi núi nên không trồng theo hàng. Nơi nào thuận lợi thì trồng theo hàng lối, còn đất không bằng phẳng thì trồng lộn xộn. Rừng này không phát trắng, chỉ phát khu vực nhỏ để trồng. “Sau vụ cháy rừng xảy ra, hạt keo bay mọc khắp nơi nên các hộ được giao khoán tiếc không chặt bỏ. Quá trình nghiệm thu thì cây sống đạt tỷ lệ 85%, cao hơn so với quy định. Qua đánh giá thì rừng phát triển tốt, có một số khu vực không được như mong muốn. Tuy nhiên đến bây giờ thì dự án thành công, cây sống từ 60-70% nơi đất bằng, tốt. Theo quy định, sau khi trồng thì người dân phải chăm sóc đến ba năm để cây phát triển. Cây chết nhiều thì kiến nghị địa phương kiếm nguồn kinh phí để mua trồng dặm vô. Quyết tâm trồng cho đến khi nào thành rừng”- đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước khẳng định.
Cây giống trồng dưới tán cây keo, vậy sau này người dân khai thác keo ảnh hưởng đến rừng trồng thì sao? Phóng viên đặt câu hỏi. “Theo Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT, khi khai thác trong rừng phòng hộ thì phải có phương án, kế hoạch cụ thể trình ngành chức năng phê duyệt mới được phép khai thác. Khi họ khai thác keo thì phải cam kết với chính quyền giữ lại cây trồng để tạo thành rừng”- đại diện chủ đầu tư nói.
Chủ đầu tư trả lời như vậy, thế nhưng cũng gần khu vực rừng trồng trên, chúng tôi quan sát thấy một rẫy quế của người dân, bên trong xen lẩn rất nhiều cây keo đã đến độ tuổi khai thác. Điều đáng nói, chủ rẫy không khai thác keo mà dùng rựa cắt đoạn vỏ để cho cây chết dần. Theo lý giải của họ, nếu khai thác keo tận thu ít nhiều sẽ ngã đổ ảnh hưởng đến cây quế, do vậy phải xử lý cho cây keo chết rồi tự mục ruỗng, có như thế mới không ảnh hưởng đến rừng quế!