Thiếu tài xế xe hạng nặng, doanh nghiệp vận tải gặp khó
Ngoài khó khăn về điều kiện sát hạch lái xe hạng FC, nhiều doanh nghiệp vận tải đau đầu khi bị gộp hàng chục lỗi 'phạt nguội' sau nhiều tháng hoạt động, khiến càng khó tuyển tài xế.
Nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) cho biết thời gian qua, các DN gặp khó do thiếu tài xế xe hạng nặng (bằng lái hạng FC: Lái xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc, xe container).
Phải bán bớt xe vì thiếu tài xế
Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, thời gian qua, các DN phản ánh việc thiếu tài xế xe hạng nặng. Trung bình mỗi DN thiếu 30%-35% tài xế hạng FC và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết từ thời điểm sau dịch COVID-19 có 80% DN bị thua lỗ. Hiện nay, nhiều DN chỉ đáp ứng những đơn hàng quen, có những DN “dừng cuộc chơi” vì không tuyển dụng được tài xế.
“Trong đó có thể kể đến các điều kiện về độ tuổi, số thời gian lái xe an toàn để được thi bằng lái xe hạng FC theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư 12/2017 (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019) là phải đủ 24 tuổi trở lên, có thời gian hành nghề từ ba năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên” - báo cáo của hiệp hội nêu lý do.
Đại diện một DNVT hàng hóa tại TP.HCM cho biết việc thiếu tài xế khiến cho các DN không đủ nhân lực để hoạt động sản xuất. “Vì xe đậu thời gian dài mà không sử dụng đến, chúng tôi đã phải bán bớt 40% xe, có nhiều đơn vị phải bán bớt 70% xe” - vị đại diện cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, hiện nay đời sống của người dân được nâng cao, người lao động có xu hướng tìm công việc nhẹ nhàng hơn vì lái xe hạng nặng quá vất vả.
“Sự dịch chuyển lao động luôn khiến các DNVT trong tình trạng thiếu tài xế xe hạng nặng và tuyển dụng cũng rất khó” - vị đại diện chia sẻ thêm.
Vị này cũng nêu ra một nguyên nhân khiến các DN khó khăn hơn trong dịp cận Tết Nguyên đán 2024 như DN không thể tự kiểm tra các xe của mình có vi phạm các lỗi giao thông hay không và bị tước phù hiệu bất ngờ.
“Chủ DN dù trực chiến trên màn hình máy tính theo dõi camera 24/24 giờ cũng không thể kiểm soát được tài xế vi phạm hay không. Có những trường hợp tài xế vi phạm đã nghỉ việc, chủ DN lại phải đứng ra xử lý.
Đối với việc nộp phạt bằng tiền thì DN chấp nhận nhưng đối với việc tước giấy phép lái xe của tài xế thì DN không xử lý được. Điều này dẫn đến tình trạng thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy quyết định kinh doanh của DN trong khi chính ông chủ DN đó không vi phạm” - vị đại diện nêu.
Đề xuất trang bị thêm thiết bị cho xe tải hạng nặng
Trước những khó khăn trên, một số DN lớn đã siết lại các quy định đối với tài xế khiến cho việc tuyển tài xế đã khó khăn nay càng khó hơn.
Một đại diện DNVT khác cho rằng các ý tưởng yêu cầu xe kinh doanh vận tải lắp đặt camera là tốt nhưng trước khi xử lý DN, cơ quan quản lý nhà nước phải đồng bộ dữ liệu về tốc độ.
“Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có dữ liệu về tốc độ của từng đoạn đường, gắn cảnh báo các cung đường này. Như vậy trên thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp các DN nắm được quy định giao thông để biết tài xế này có vi phạm hay không, DN xử lý ngay lúc đó” - vị đại diện chia sẻ.
Vị đại diện này cũng nêu vấn đề như hiện nay một số ứng dụng có cảnh báo tốc độ và nếu xe vi phạm cũng sẽ báo luôn trên hệ thống này. Tuy nhiên dữ liệu này chỉ phù hợp cho ô tô con, ô tô khách… chứ không áp dụng với xe tải, xe đầu kéo. Nếu gắn vào các xe hạng nặng này thì không đúng quy định, ví dụ có một số cung đường ô tô con được phép chạy 80 km/giờ nhưng xe tải chỉ được chạy 60 km/giờ.
“Cơ quan chức năng cần nhanh chóng cập nhật dữ liệu và cung cấp cho các nhà sản xuất ứng dụng đó để cập nhật trên giám sát hành trình, lúc đó thông tin chuẩn sẽ hỗ trợ các DN. Chúng tôi sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm này và ứng dụng cho DN của mình” - vị này cho hay.
Vị đại diện DNVT hàng hóa đề xuất thêm khi có vi phạm “phạt nguội” hay phạt qua giám sát hành trình thì cơ quan quản lý dữ liệu phải gửi thông báo trong một khoảng thời gian nhất định như một tháng. Nếu DN không xử lý sai phạm của mình thì lúc đó xử phạt thêm và tước giấy phép kinh doanh.
Đối với việc khó tuyển tài xế, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết đã tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giảm quy định về tiêu chuẩn thời gian hành nghề và tổng số kilomet kinh nghiệm lái xe an toàn đối với tài xế xe hạng nặng. Việc này nhằm hỗ trợ các tài xế có thể dễ dàng hơn trong việc có bằng lái hạng FC, đáp ứng được nhu cầu tài xế của ngành vận tải hiện nay.
“Yêu cầu đủ 24 tuổi trở lên, ba năm hành nghề và đủ 50.000 km lái xe là tương đối khắt khe. Vì vốn dĩ tài xế khi nâng hạng bằng lái thì vẫn phải vượt qua được bài thi lý thuyết và bài thi sát hạch” - ông Quản nói thêm.•
Nhiều nước chú trọng vận tải hành khách
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết một số nước trên thế giới quy định khó nhất là bằng lái xe buýt có chở người, bằng lái này có tên gọi Personen Transport và yêu cầu tất cả tài xế phải học khóa cấp cứu First Aid.
“Đối với người lái xe chỉ cần kiểm tra sức khỏe, mắt, tai, phản ứng tay chân và luật giao thông như bình thường và đặc biệt tập lái ở cao tốc phải thi thực hành. Riêng đối với xe container, tài xế phải học về vật lý như lực ly tâm khi vào cua, đoạn đường thẳng khi đường khô và ướt” - ông Đồng cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, các nước châu Âu thường cấp bằng lái tạm thời là hai năm nếu không có tai nạn thì cấp bằng chính và lái xe container không quy định độ tuổi.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thieu-tai-xe-xe-hang-nang-doanh-nghiep-van-tai-gap-kho-post773003.html