Thiếu thông tin, phụ nữ dân tộc thiểu số khó bảo vệ quyền lợi của mình

Đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận thông tin khiến nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) không biết các quyền lợi về đất đai, tài sản, hoặc các chính sách dành cho dân tộc thiểu số của nhà nước.

 Truyền thông vận động, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại xã Canh Hòa

Truyền thông vận động, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại xã Canh Hòa

Theo chị Đinh Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Hòa, phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu là người dân tộc Bana, Chăm H"Roi và thường dùng ngôn ngữ của dân tộc mình, trong khi phần lớn thông tin chính thức và các chương trình hỗ trợ lại được cung cấp bằng tiếng Việt. Điều này khiến việc hiểu và tiếp nhận thông tin trở nên khó khăn, đặc biệt là với những người già, lớn tuổi không thành thạo tiếng phổ thông.

"Nhiều gia đình ở xã Canh Hòa không có đủ phương tiện như tivi hoặc điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin. Mặc dù đài truyền thanh xã là một kênh thông tin quan trọng nhưng mặt bằng dân trí còn thấp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thiết bị hiện đại khiến phụ nữ khó tiếp cận thông tin một cách kịp thời và đầy đủ.

Buổi sinh hoạt Hội của phụ nữ xã Canh Hòa

Buổi sinh hoạt Hội của phụ nữ xã Canh Hòa

Bên cạnh đó, việc sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ là một rào cản lớn đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người không có điều kiện học hỏi về công nghệ. Chưa kể, nhiều phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa phải chăm lo cho gia đình, công việc nương rẫy, khiến họ không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động tiếp cận thông tin, tìm hiểu các chính sách mới, hoặc tham gia vào các buổi tuyên truyền", Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Hòa cho biết.

Vì những lý do đó, phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Canh Hòa rất nghèo thông tin. Theo chị Đinh Thị Liên, việc thiếu thông tin có tác động rất lớn đối với cuộc sống, sinh kế và quyền lợi của phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây. "Phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa như ở xã Canh Hòa thường không biết các quyền lợi về đất đai, tài sản, hoặc các chính sách dành cho dân tộc thiểu số của Nhà nước. Điều này có thể dẫn đến tình trạng phụ nữ không được quyền thừa kế đất đai hoặc tài sản của gia đình, hay không thể bảo vệ quyền lợi đất đai khi có tranh chấp. Đơn cử có thể có những chính sách hỗ trợ đất đai nhưng do thiếu thông tin, phụ nữ không biết để yêu cầu quyền lợi hợp pháp của mình".

Trước thực tế này, Hội LHPN xã Canh Hòa đã triển khai một số hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin, đặc biệt là những thông tin về chính sách, sức khỏe, giáo dục và các quyền lợi của phụ nữ. "Hội LHPN xã Canh Hòa thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật và thông tin về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, bảo vệ sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình và các chương trình phát triển cộng đồng. Những buổi tuyên truyền này thường được tổ chức tại các làng để giúp họ hiểu rõ hơn về các chương trình hỗ trợ và quyền lợi của mình.

Hội LHPN xã Canh Hòa tổ chức chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật cho hội viên phụ nữ

Hội LHPN xã Canh Hòa tổ chức chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật cho hội viên phụ nữ

Bên cạnh đó,Hội LHPN xã Canh Hòa đã triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giúp họ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hoặc các chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh giúp chị em tự tin và có thêm cơ hội để phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN xã Canh Hòa còn phối hợp với Hội LHPN huyện Vân Canh tổ chức truyền thông, tuyên truyền Dự án 8 để cung cấp thông tin và hỗ trợ phụ nữ trong việc phòng chống bạo lực gia đình. Hội giúp phụ nữ nắm bắt các quyền lợi của mình, cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, nơi trú ẩn an toàn và cách thức bảo vệ bản thân khi gặp phải bạo lực", Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Hòa chia sẻ.

Để tiếp tục hỗ trợ và nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền được tiếp cận thông tin, theo chị Đinh Thị Liên, Hội LHPN xã Canh Hòa sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về các quyền lợi của phụ nữ trong các lĩnh vực như đất đai, sức khỏe và lao động... Các chương trình hỗ trợ pháp lý cũng sẽ được tổ chức để giúp phụ nữ hiểu rõ quyền lợi của mình và cách thức bảo vệ quyền lợi khi gặp phải các vấn đề trong cuộc sống.

Để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, theo Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Hòa, cần có những chính sách và giải pháp toàn diện, phù hợp với đặc thù văn hóa, xã hội và điều kiện sống của cộng đồng như: Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính và Internet; Tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp với đặc thù của phụ nữ dân tộc thiểu số, như sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ dễ hiểu…

N.MInh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thieu-thong-tin-phu-nu-dan-toc-thieu-so-kho-bao-ve-quyen-loi-cua-minh-20250410145857791.htm