Thiếu trầm trọng lao động nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 đang mang lại một thông điệp rõ ràng là trong tương lai gần, nhu cầu lao động nông nghiệp chất lượng cao sẽ tăng cao. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đổi mới và sáng tạo trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực để đón cơ hội này hiện vẫn còn chưa sẵn sàng.

Dự báo khối ngành ngư nghiệp, chế biến thực phẩm sẽ thiếu hụt lớn lao động kỹ thuật cao. Ảnh: Bích Nguyên

Dự báo khối ngành ngư nghiệp, chế biến thực phẩm sẽ thiếu hụt lớn lao động kỹ thuật cao. Ảnh: Bích Nguyên

Nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu lao động chất lượng cao tập trung chủ yếu ở khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, theo đó, sẽ phát triển tỉ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo năm 2020, nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động, trong đó, đặc biệt rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật bậc cao.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dự kiến đến năm 2030, sẽ có khoảng 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp, 30.000 hợp tác xã, 70.000 tổ hợp tác và 70.000 trang trại nông nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp dự kiến sẽ hình thành 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; 200-300 sản phẩm chủ lực cấp vùng và tỉnh khoảng 2.500 sản phẩm nông nghiệp của địa phương, sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện).

Do đó, nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 10 năm tới (từ năm 2020 đến năm 2030) sẽ là rất lớn. Trong giai đoạn này, để tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt từ 55-65%, dự báo sẽ có 4,5 – 6 triệu lao động có nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp.

Thực tế, trong giai đoạn 2011-2015, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đào tạo cho gần 1,15 triệu lao động, đạt 75% kế hoạch. Sau học nghề đã có gần 873.000 lao động (84%) được đào tạo có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ. Giai đoạn 2016-2019, hơn 1 triệu lao động nông thôn đã được đào tạo, đạt 82% kế hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đào tạo “cung” chưa khớp với “cầu” còn phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề trong nông nghiệp cho lao động nông thôn với quá trình tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Việc đào tạo gắn với hợp tác xã, doanh nghiệp, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, lao động là xã viên hợp tác xã, trang trại còn thấp. Mới chỉ có 260.000 lao động (chiếm 24%) lao động là thành viên hợp tác xã, trang trại và lao động có liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm.

Một hạn chế khác là việc đào tạo nghề vẫn còn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc dạy và học nghề ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, cá biệt còn có tình trạng chạy theo số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhu cầu học nghề của người lao động. Tình trạng “dạy chay”, “học chay” vẫn phổ biến.

Cần ưu tiên đào tạo về nông nghiệp số

Thực trạng nhu cầu lao động nông nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, ông Thịnh cho rằng, năm 2020, cần xây dựng đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; xây dựng chương trình, tài liệu khung với nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn về sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các chương trình đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số và khởi nghiệp cho lao động trẻ. Cùng với đó, cần khuyến khích xã hội hóa và nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề. Mỗi địa phương nên có 1 đến 2 đơn vị đào tạo gắn với thực tiễn, với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, theo nhu cầu đặt hàng của địa phương.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung chọn các nghề chính phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiêp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; đổi mới cơ cấu nông nghiệp theo hướng lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ chương trình OCOP... Đồng thời, củng cố Trung tâm khuyến nông tỉnh thành cơ sở dạy nghề chủ lực và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Theo bà Lan, trong giai đoạn tới, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp, cần tập trung đào tạo cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay. Ưu tiên đào tạo nghề theo quy chuẩn, trọng tâm là đào tạo nghề chế biến, bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, cần đa dạng hình thức dạy nghề, đổi mới nội dung dạy, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với cơ sở đào tạo nghề.

Còn bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Phó Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, cần đưa hệ thống khuyến nông và hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại gần nhau hơn. Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề đào tạo để người lao động có thể sử dụng chứng chỉ đào tạo ở mọi nơi và có thể tiếp tục nâng cao mức độ cấp chứng chỉ thông qua hệ thống công nhận kỹ năng.

Như Trần – Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thieu-tram-trong-lao-dong-nong-nghiep-4-0/