Thiếu tướng Mai Hoàng: Kẻ cướp ngân hàng khảo sát rất kỹ trước khi ra tay
Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết tội phạm cướp ngân hàng nghiên cứu rất kỹ trước khi ra tay nên cần phải chú ý trang bị thiết bị kỹ thuật, lực lượng bảo vệ để đối tượng từ bỏ ngay ý định khi tới quan sát.
Ngày 21-11, tại Hội sở Ngân hàng VP Bank, Quận 1, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM.
Cướp ngân hàng vừa gây mất tiền, mất uy tín…
Thiếu tướng Mai Hoàng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết tại TP.HCM hiện có có 11 Hội sở Ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động.
Tội phạm xâm phạm tài sản, cướp ngân hàng mà đặc biệt ở vùng Đông Nam Bộ có diễn biến phức tạp.
“Tội phạm cướp tài sản ngân hàng khi xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của các nhân viên, uy tín của ngân hàng. Quan điểm là phòng ngừa không để xảy ra các vụ cướp này” – Thiếu tướng Mai Hoàng nhấn mạnh.
Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có bốn vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng và Bình Dương. “Có các vụ trộm, cướp xảy ra tại ngân hàng nhưng không có hình ảnh từ camera an ninh thì truy xét rất vất vả, khó khăn” – ông nói.
Đại tá Ngọc nêu thực tế là tội phạm cướp ngân hàng đều diễn biến theo quy luật nhất định. Đặc điểm chung là liều lĩnh, manh động, sẵn sàng dùng vũ khí mang theo chống trả, tấn công. Trước khi thực hiện, các thành viên “tụ lại” trên mạng xã hội dù trước đó không quen biết.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Công an huyện Hóc Môn cũng nêu lại vụ cướp 3,8 tỉ đồng tại ngân hàng trên địa bàn như một dẫn chứng.
Theo đó, Nguyễn Ngọc Mỹ (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), Nguyễn Thị Bích Tuyền (23 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) và Lâm Phúc Lợi (24 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) tham gia nhóm “vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội và hẹn nhau đi cướp vào tháng 9-2023.
“Trước đó nhóm này đã khảo sát nhiều ngân hàng nhưng thấy không thuận lợi. Sau đó các thành viên chọn vị trí ở Hóc Môn vì khu vực dễ tẩu thoát, các bảo vệ chưa có sự chuyên nghiệp. Và thực tế là ngân hàng đã không có đảm bảo về các điều kiện an ninh, bảo vệ tại thời điểm đó” – thượng tá Nam nói.
Thực tế thời gian qua, các ngân hàng đã phối hợp với công an các quận, huyện, xã khắc phục sơ hở trong giao dịch, vận chuyển tiền… "Không để tội phạm lợi dụng sơ hở hoạt động”- Thiếu tướng Mai Hoàng cho hay.
Công an TP.HCM xem đây là công tác công an, việc phối hợp rất quan trọng. Khi ngân hàng xảy ra trộm, cướp thì mới thấy được sự phức tạp và cần thiết là công tác phòng ngừa.
Trong khi đó, việc truy xét của công an rất vất vả, tốn kém cả về nhân lực, tiền bạc nếu ngân hàng không có trang bị các hệ thống camera an ninh thông minh, hiện đại.
Chặn đứng từ sớm, từ xa ý định cướp ngân hàng
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, sau một năm thực hiện các biện pháp phối hợp thì trên địa bàn không có xảy ra vụ cướp ngân hàng nào.
Ông nói các ngân hàng cần chú trọng áp dụng các phương tiện, công nghệ AI vào việc phòng chống tội phạm.
“Người dân đến ngân hàng giao dịch thì công khai danh tính, khuôn mặt, nội dung giao dịch vì đây là quy định, không có gì phải giấu giếm. Việc lắp đặt các camera an ninh là rất bình thường. Cũng không có ai bức xúc với câu chuyện này” – Thiếu tướng Mai Hoàng nêu.
Trong khi đó, tội phạm cướp ngân hàng đều phải ngụy trang, hóa trang… Khi phát hiện có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, camera an ninh hiện đại thì tội phạm chùn tay, không dám thực hiện hành vi phạm tội.
Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng PC02 bày tỏ mong muốn các ngân hàng áp dụng hệ thống báo động khẩn cấp được truyền dẫn đến trụ sở công an; bảo vệ phải có cả bên trong và ngoài; khách hàng phải công khai danh tính, không đeo khẩu trang; trang bị camera an ninh hiện đại, ứng dụng AI và quan sát được bên trong, bên ngoài bao quát khu vực, kết nối với công an phường, xã.
“Đối tượng mới tới điều nghiên thì hệ thống đã phát hiện được, phải phòng ngừa từ sớm từ xa, từ cơ sở như vậy. Ngân hàng phải triển khai bốn tại chỗ trước khi lực lượng công an đến để giảm thiểu thiệt hại xảy ra” – Trưởng PC02 nhấn mạnh.
Việc áp dụng hệ thống camera hiện đại, có kết nối dữ liệu, theo lãnh đạo PC02 là khi đối tượng trong diện truy tìm, truy nã, diện quản lý sẽ bị hệ thống phát hiện, công an xử lý ngay.
Nhưng thực tế, nhiều ngân hàng chưa trang bị, chưa thực hiện các khuyến nghị của Công an TP.HCM. “Nếu phía ngân hàng cần thì Công an TP sẽ hỗ trợ tập huấn cho các nhân viên bảo vệ làm sao trang bị kiến thức xử lý tình huống, xử lý đối tượng” – thượng tá Ngọc nói.
Kết luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Mai Hoàng cho biết việc phối hợp thực hiện là vì mục tiêu chung để chuyển biến nhận thức trong phòng chống tội phạm cướp ngân hàng.
Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, người dân khi đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch thì đều ăn mặc chỉnh chu, phối hợp với tâm thế tin tưởng, thậm chí còn “check in” quảng cáo. Các trường hợp đeo khẩu trang kín, đội nón, đeo bao tay đến ngân hàng thì “sẽ có vấn đề” và ngân hàng cũng không cần phải giao dịch với những người này.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng cho biết bản thân ông trưởng thành từ lính hình sự, năm 2022, ông từng tham gia bắt Nguyễn Văn Nam (ngụ Hải Phòng) sau khi người này nổ súng, cướp hơn 3,5 tỉ đồng tại Phòng giao dịch Vietcombank Đình Vũ. Nam đã nảy sinh ý định cướp từ năm 2021 và năm sau mới ra tay sau khi điều nghiên kỹ.
Đặc điểm chung của các đối tượng cướp ngân hàng là khảo sát, quan tâm bảo vệ ở đây thế nào, thiết bị kỹ thuật ra sao… “Các ngân hàng phải chú ý trang bị để đối tượng từ bỏ ngay ý định khi tới quan sát” – Thiếu tướng Mai Hoàng nói.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng cho rằng số kinh phí bỏ ra không quá lớn, với đội ngũ kỹ thuật sẵn có của các ngân hàng thì dư sức làm. “Cơ bản các ngân hàng có quan tâm hay không. Khi cướp xảy ra mới báo thì muộn mất rồi, quan trọng phòng ngừa từ sớm từ xa chứ ngân hàng nói không có kinh phí thì công an cũng đành chịu – ông nói.