Trong tương lai, Nga sẽ có cơ hội hồi sinh máy bay ném bom động cơ hạt nhân Tu-119 từ thời Liên Xô, phi công quân sự danh dự của Liên bang Nga - ông Vladimir Popov nói rõ.
Năm 1961, phòng thiết kế Tupolev đã tạo ra một dự án đặc biệt, khi thử nghiệm máy bay ném bom động cơ phản lực cánh quạt với bộ trao đổi nhiệt và một lò phản ứng hạt nhân trên khoang. Chiếc phi cơ được đặt tên là Tu-119 (hay Tu-95LAL).
Do đặc điểm cấu tạo, chiếc máy bay ném bom chiến lược nói trên có thể di chuyển từ điểm A đến điểm B mà không cần tiếp nhiên liệu. Khoảng thời gian trên không chỉ bị giới hạn bởi khả năng của các phi công.
Thân máy bay ném bom chiến lược Tu-95 được sử dụng làm cơ sở để hình thành dự án. Lò phản ứng hạt nhân được đặt trong khoang chứa bom. Các chuyến bay được thực hiện trong cả tình trạng lò phản ứng bật và tắt.
Buồng lái cũng được kiểm tra để xem liệu nó có bị ảnh hưởng bởi bức xạ hay không. Được biết, Mỹ cũng đã nghiên cứu khả năng tạo ra một phương tiện như vậy. Tuy nhiên vào cuối những năm 1960, cả Liên Xô và Mỹ đều quyết định từ bỏ công việc của dự án.
Điều khiến cả hai siêu cường lo ngại đó là nếu một chiếc máy bay như vậy rơi xuống đất, ảnh hưởng của vụ nổ mà nó gây ra sẽ tương tự như một quả bom hạt nhân công suất lớn.
Tuy vậy Thiếu tướng về hưu, phi công danh dự Vladimir Popov trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE) đã nói rằng vấn đề chính khiến thất bại và chưa hoàn thành là nguy cơ phi công tiếp xúc với phóng xạ.
“Đặc điểm trọng lượng không đáp ứng các chỉ số quy định nhằm đảm bảo hệ thống an ninh. Để bảo vệ khỏi phóng xạ, những bức tường bằng chì dày đã được lắp đặt. Có thể đặt một cấu trúc như vậy trên mặt đất, nhưng trên máy bay, trọng lượng của nó sẽ lớn đến mức không thể cất cánh".
"Thật vậy, ngoài những bức tường bằng chì còn cần tạo ra những miếng đệm đặc biệt, đi kèm hệ thống thông gió… để chống lại bụi phóng xạ”, chuyên gia quân sự Nga lưu ý.
"Ưu điểm của Tu-119 là khả năng di chuyển từ sân bay này sang sân bay khác mà không cần tiếp nhiên liệu. Có thể thực hiện mọi nhiệm vụ mà không cần quan tâm đến khoảng cách", người đối thoại của PE giải thích.
Một chiếc máy bay ném bom như Tu-119 có thể bay vòng quanh toàn cầu mà không tốn tiền mua nhiên liệu. Việc phát triển đã có hiệu quả và mang lại lợi ích rất cao, nhưng do phải lắp đặt bức tường bảo vệ bằng chì nên khó thực hiện.
"Thật không may, Tu-119 vẫn là công nghệ của ngày mai. Cả vào thời điểm đó và ngày nay, dự án không tương ứng với sự phát triển công nghệ thực sự của toàn thế giới”, Thiếu tướng Popov nhấn mạnh.
Trong tương lai, khi cơ hội đến, Nga có thể quay trở lại làm việc trên chiếc Tu-119. Tuy nhiên trước khi đạt được mong muốn, cần phải loại bỏ mối đe dọa đối với các phi công và tìm cách giữ an toàn cho máy bay khi hoạt động trên không.
“Động cơ hạt nhân sẽ không được sử dụng trong vận tải đường sắt, hàng không và đường bộ trong một thời gian dài. Nhưng trên các tàu lớn của Nga, ví dụ như hạm đội tàu phá băng, điều này đã được áp dụng thành công".
"Nước Nga chiếm một trong những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới. Hải quân Nga có các tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân công suất lớn có thể hoạt động dưới nước tới 100 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu, đây là cơ sở để tin tưởng vào dự án Tu-119”, ông Popov nói.
Bạch Dương