Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng và 'món nợ' với Trường Sơn

Sinh thời, nhà riêng của Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (1946-2019), nguyên Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ở đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội luôn tấp nập khách ra vào bởi chủ nhân là một người thân thiện và rất cởi mở, nhất là khi được hỏi về những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn thì ông sẵn sàng dành hàng giờ để kể…

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (tên thật là Nguyễn Văn Tòng) có nguyên quán ở xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lạng Sơn. Năm 1965, học hết lớp 7 (hệ 10 năm), ông tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị pháo cao xạ nhưng sau đó được chuyển sang huấn luyện bộ binh để đi B. Sau khi vào đến Trường Sơn một thời gian, ông được biên chế về Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 công binh, Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường, phá bom mìn, bảo đảm giao thông trên những trọng điểm ác liệt nhất trên đường Trường Sơn lúc bấy giờ.

 Phút thảnh thơi của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng trên đường trở lại chiến trường xưa năm 2012.

Phút thảnh thơi của Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng trên đường trở lại chiến trường xưa năm 2012.

Ở Trường Sơn, trưởng thành từ cán bộ tiểu đội, trung đội rồi làm chính trị viên phó đại đội, trên các cương vị Nguyễn Bá Tòng luôn kiên cường ở các trọng điểm, tháo gỡ bom, san lấp hố bom, hạ bớt dốc cao, mở rộng các cua hẹp, hộ tống xe qua các trọng điểm an toàn. Đồng chí luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, nỗ lực khắc phục khó khăn gian khổ, cùng đồng đội bám đường thực hiện nhiệm vụ, bất chấp việc đế quốc Mỹ ngày đêm điên cuồng bắn phá ác liệt hòng cắt đứt tuyến vận tải, mạch máu giao thông chi viện quan trọng nối hai miền Nam Bắc đất nước.

Tấm vải dù kỷ vật của Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng.

Tấm vải dù kỷ vật của Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng.

Trong một lần đến thăm Bảo tàng Hậu cần Quân đội, chúng tôi được giới thiệu về tấm vải dù trắng mà ông từng sử dụng làm lộ tiêu khi thực hiện nhiệm vụ mở đường. Do nằm trong bộ sưu tầm cùng nhiều hiện vật khác nên thuyết minh viên chỉ giới thiệu nhanh về lý lịch hiện vật. Sự tò mò của chúng tôi đã được giải tỏa khi đích thân ông chia sẻ thêm: “Đó là chiến lợi phẩm chúng tôi thu được của địch khi tham gia mở đường vào một đêm tháng 12-1969. Hôm ấy như thường lệ, đơn vị đang sửa đường phục vụ cho công tác vận tải thì địch thả dù pháo sáng. Chúng thả vu vơ rồi cho máy bay đi qua, chúng tôi lại làm việc bình thường. Tiếc những mảnh dù vương vãi khắp nơi nên tôi cho anh em thu lại để tận dụng. Nhiều đêm đường bị đánh phá ác liệt quá, công binh vừa tìm cách thông đường nhanh vừa phải điều hướng cho xe đi qua để tránh ùn tắc. Không được chiếu đèn, may nhờ những mảnh dù pháo sáng anh em tận dụng miếng to khoác lên người hoặc làm cờ lệnh để làm lộ tiêu di động dẫn xe qua các trọng điểm”.

Các phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Nguyễn Bá Tòng (bên trái) và Hoàng Anh Tuấn chúc mừng ngày phụ nữ Việt Nam 8-3-2017.

Các phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Nguyễn Bá Tòng (bên trái) và Hoàng Anh Tuấn chúc mừng ngày phụ nữ Việt Nam 8-3-2017.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…, Nguyễn Bá Tòng cùng đồng đội thường xuyên bám mặt đường để làm việc. Có thời điểm, ông liên tục làm việc 200 ngày không rời đường, đạt ngày công và năng xuất cao nhất đại đội. Đại tá Trần Văn Phúc (nguyên là một trong những cán bộ đầu tiên của Trung đoàn 98, đã từ trần tháng 1-2023) kể: “Chỉ trong tháng 3-1970, đồng chí Tòng liên tục lập chiến công xuất sắc. Ngày 13-3-1970, đồng chí vác 40 kg bộc phá cùng đồng đội chạy 3 km đến ứng cứu tại cây số 83. Do đường hẹp, xe đầu bị máy bay đánh cháy, đoàn xe ở phía sau tiến và lùi đều không được. Đồng chí xung phong mang bộc phá lên đánh xe cháy để mở đường cho 60 xe phía sau vượt khỏi khu vực nguy hiểm. Đêm 27-3-1970, một xe chở xăng của đơn vị bị máy bay địch đánh cháy. Vượt qua làn đạn địch, đồng chí Tòng động viên, cùng với đồng chí lái xe tiếp tục cho xe chạy. Rồi bản thân leo ra ngoài ca bin cùng với đồng chí lái phụ đạp những thùng xăng đang cháy xuống đường. Kết quả đã cứu được xe trong lúc máy bay địch đang bắn phá… Quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù bị thương hai lần nhưng lần nào đồng chí cũng bình tĩnh giữ vững vị trí, tiếp tục bám đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi mới yên tâm đi điều trị”.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (bên trái) cùng đồng đội năm 2018.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (bên trái) cùng đồng đội năm 2018.

Một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần “làm nên” Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng được tuyên dương ngày 11-1-1973 là khi ông cùng đơn vị công binh của mình chốt giữ bảo đảm giao thông tại dốc U Bò nằm ở độ cao 1.009m so với mực nước biển gần ngã ba Chà Lỳ trên Đường 16. Lúc này, Bộ đội Trường Sơn đang mở chiến dịch tổng công kích đợt 2 mùa khô năm 1971 để chi viện cho các lực lượng tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch.

Đêm ấy, đoàn xe chở đạn bắt đầu vượt dốc. Khi chiếc xe đi đầu đội hình đổ dốc thì bất ngờ bị máy bay AC-130 phát hiện. Chiếc xe đi đầu trúng đạn bốc cháy. Đồng chí lái xe bị thương, chỉ kịp mở cửa cố thoát ra khỏi chiếc xe đang bốc cháy. Tổ công binh của Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 công binh) trực ở đỉnh dốc vội lao ra dập lửa và cứu thương binh. Nhưng không may cả 4 chiến sĩ công binh đều bị thương, chiếc xe chở đạn bén lửa vẫn đang bốc cháy. Đoạn đường dốc này khá hẹp. Những chiếc xe khác không thể vượt qua chiếc xe bị cháy để tiếp tục hành quân. Tình hình vô cùng nguy cấp. Vì vậy, cấp trên quyết định lệnh cho Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Tòng đang trực ở hầm bảo đảm giao thông ở dưới chân dốc, mang bộc phá lên giải quyết chiếc xe đang cháy để thông đường gấp. Sốc ba lô đựng bộc phá khoảng 20kg lên lưng, ông lao ra khỏi hầm chạy thẳng lên đỉnh dốc. Mặc cho bộc phá đè nặng trên lưng, mặc cho dốc cao, Nguyễn Bá Tòng đã lao lên dốc với một tốc độ không tưởng. Trên đầu, chiếc AC-130 vẫn điên cuồng vãi đạn xuống mặt đường. Chỉ ít phút sau, ông đã lên tới gần đỉnh dốc và nhận lệnh đánh bộc phá…

Dùng bộc phá, phá đất đá mở đường thì lính công binh Trường Sơn ai cũng thành thạo. Nhưng đánh xe, mà lại là xe của ta thì Nguyễn Bá Tòng chưa từng làm. Một thoáng băn khoăn trôi qua rất nhanh, ông lao lên phía trước tiếp cận với chiếc xe đang cháy. Lúc này, ngọn lửa đã gần trùm kín thành xe. Ông kể: “Để chắc ăn, tôi vội xé chiếc áo lót ra buộc chặt chiếc ba lô đựng bộc phá vào cầu sau của xe cùng cả một bó kíp nổ thành một mối liên kết bất chấp lửa táp vào cơ thể bỏng rát. Nếu cắt dây cháy chậm dài thì an toàn cho bản thân nhưng làm thế thế thì quá nguy hiểm cho mặt đường. Trên thùng xe chở đầy đạn cối và một ít gạo. Lửa bắt đầu chùm lên thùng xe rồi, phải giành giật với giặc lửa từng phút, từng giây mới mong thành công. Với tốc độ nhanh nhất có thể, tôi cắt dây cháy chậm dài chưa đầy một gang tay. Thật may tôi đã “kích hoạt” khối bộc phá thành công rồi vội lao ra thoát ly chiếc xe. Chạy chưa đầy 15m thì bộc phá nổ, áp lực của khối bộc phá đẩy tôi ngã lăn xuống ta-luy âm. Chiếc xe bị hất bay khỏi mặt đường rơi xuống vực. Mừng là mặt đường không hề gì còn tôi bị sức ép, ngất lịm. Đường thông, đoàn xe sau đó đã vượt dốc an toàn kịp thời tiếp đạn cho các đơn vị tham gia chiến dịch”.

 Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng bên hiện vật “cây nhiệt đới” lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng bên hiện vật “cây nhiệt đới” lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Nguyễn Bá Tòng được đồng đội đưa về Bệnh xá của Trung đoàn cấp cứu, tới ngày hôm sau ông mới tỉnh. Chỉ bị xây xát nhẹ nhưng hai tai ông điếc đặc. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày điều trị, ông xin trở về đơn vị. Rất may sau đó, thính lực của ông đã dần hồi phục tuy rằng không được như trước nữa. Lúc này Đại đội 6 của ông đã được trên điều động sang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở khu vực Sê Băng Hiêng. Một lần, ông được phân công chỉ huy tổ đi lấy gạo và thực phẩm ở kho. Trên đường trở về bất ngờ bị máy bay lao đến bắn phá, họ vội lánh vào một chiếc hang đá nhỏ bên đường. Vừa đặt ba lô gạo xuống thì một quả bom nổ ngay trên nóc hang. Nhiều người bị thương, trong đó ông bị mảnh bom và đá cắm vào chân, vai và bụng nhưng vẫn tỉnh táo chỉ huy mọi người nhanh chóng tự băng bó cấp cứu cho nhau chờ đến sáng hôm sau đơn vị cho người ra đón. Do vết thương nặng, Nguyễn Bá Tòng được chuyển ra Viện quân y 59 nằm điều trị 15 ngày.Những năm sau này, ông phải chung sống với một mảnh bom găm vào xương bả vai không thể lấy ra được trong lần bị thương ấy. Mặc dù bị những vết thương hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng vẫn luôn lạc quan, tích cực cống hiến trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 2007 trên cương vị là Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (bên phải) cùng lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam đến thăm Hội năm 2019.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (bên phải) cùng lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam đến thăm Hội năm 2019.

Nghỉ hưu nhưng không có nghĩa là nghỉ việc. Vừa rời nhiệm sở, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng lại tham gia ngay vào Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn đang trong những ngày đầu thành lập với bộn bề công việc. Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khóa 1 (2011), rồi khóa 2 (2016), ông được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội. “Tôi mắc nợ và cũng mang ơn Trường Sơn nhiều lắm. Chính những năm tháng tôi luyện nơi tuyến lửa năm nào mới có một Nguyễn Bá Tòng hôm nay. Vì vậy, còn sức, tôi còn đồng hành với Trường Sơn”-lời tâm huyết ấy giờ đây vẫn còn vẳng bên tai các cộng sự mà chẳng ngờ ông sớm rời cõi tạm trong cơn đau tim đột ngột chiều 14-12-2019…

Mời các đồng chí và các bạn vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các bài liên quan.

SONG THANH-LONG THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-nguyen-ba-tong-va-mon-no-voi-truong-son-732421