Thiếu tướng Nguyễn Tụ và chuyện lính quân y ở Điện Biên Phủ

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Thiếu tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ, nguyên Bí thư Đảng ủy - Phó giám đốc về Chính trị Học viện Quân y, tại phường Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội). Ở tuổi ngoài 90, sức khỏe không cho phép đi lại, hoạt động nhiều, nhưng ông có một trí nhớ mẫn tiệp, sắp xếp khoa học.

Ông đã dành nhiều giờ để kể cho chúng tôi nghe về những ngày cùng đồng đội phục vụ thương, bệnh binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm trên cương vị là cán sự y chính Phòng Quân y, Đại đoàn 316 (nay thuộc Quân khu 2).

Đường ra chiến trường

Đồng chí Nguyễn Tụ sinh năm 1928 tại xã Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ (nay là xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì). Những năm là học sinh, ông đã tham gia phong trào Hướng đạo. Cách mạng Tháng Tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về diệt giặc dốt, ông thành lập cơ sở của các lớp bình dân học vụ, được bà con gọi là “cậu giáo”. Nguyễn Tụ còn xung phong gia nhập đội Thanh niên tuyên truyền xung phong. Được học tập các chủ trương chính sách của Việt Minh, ông hăng hái cùng các anh chị lớn tuổi đi tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào do cách mạng khởi xướng, tổ chức các đoàn thể thiếu nhi, phụ nữ, thanh niên tập hát các ca khúc mới như: Diệt phát xít, Tiến quân ca, Chiến sĩ ca…

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, hoàn thành nhiệm vụ của chiến sĩ Vệ Quốc quân ở lại bảo vệ Hà Nội, ông lên chiến khu Việt Bắc và gia nhập quân đội. Đầu năm 1950, theo đề nghị của bác sĩ Phạm Gia Lăng, Trưởng phòng Quân y (Liên khu Việt Bắc) Nguyễn Tụ dự thi và trúng tuyển lớp quân y sĩ khóa 3 của Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay).

 Thiếu tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ.

Thiếu tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tụ.

“Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn phản công và tiến công. Mọi nguồn lực của đất nước phải tập trung cho tiền tuyến nên sinh hoạt, học tập ở nhà trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chương trình đào tạo quân y sĩ khóa 3 chúng tôi chủ yếu dựa vào nội dung dạy của Trường Y khoa Đông Dương của Pháp trước đây. Và để kịp thời có cán bộ quân y phục vụ bộ đội chiến đấu, theo chỉ đạo của Cục Quân y, căn cứ thực tiễn yêu cầu của chiến trường, nhân viên y tế phải làm được ngay những thủ thuật để cứu chữa thương, bệnh binh. Vì vậy, nhà trường ưu tiên dạy trước, học trước các môn phục vụ cho cấp cứu ngoại khoa chiến tranh. Chúng tôi được học triệu chứng học gắn với sinh lý, bệnh học nội khoa, điều trị học và cách phòng các bệnh phổ biến, kết hợp với thực hành tại bệnh viện” - Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết.

Sau khi hoàn thành khóa học, đồng chí Nguyễn Tụ được phân công về Phòng Quân y Đại đoàn 316 và ngay lập tức tham gia Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952. Ông đi với Đại đoàn bộ Đại đoàn 316 và một trung đoàn vào đánh khu Quang Huy-Phù Yên, sau đó nhanh chóng phát triển theo hướng đi Tạ Khoa (Sơn La), tiêu diệt, bức rút các đồn bốt địch trên tuyến hành lang dọc Đường 41 (nay là Quốc lộ 6).

Để rồi sau đó, các chiến dịch cứ nối tiếp nhau, y sĩ Nguyễn Tụ dần trưởng thành trong chuyên môn. Một trong những kỷ niệm ông không thể quên là khi thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cao điểm của đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu các chiến sĩ bộ binh, pháo binh ngày ngày đối đầu trực tiếp với kẻ thù thì ở một trận tuyến khác, các chiến sĩ quân y "quay như chong chóng” cứu chữa thương bệnh binh. Nhiều khi không có ngày nghỉ, giờ nghỉ nhưng ai cũng cố gắng hết sức để giành giật sự sống cho đồng đội.

Cuộc thử lửa ở Điện Biên Phủ

Nhớ lại những ngày tháng ấy, Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể: “Ngay từ đầu chiến dịch, các tuyến quân y của Đại đoàn 316 chúng tôi đã di chuyến, triển khai lực lượng, tiếp cận đội hình chiến đấu để cứu chữa kịp thời cho thương binh. Các trạm quân y triển khai chỉ cách địch vài trăm mét nhưng rất quy củ, có hầm bổ sung cấp cứu, chống choáng, có bếp Hoàng Cầm đun nước, nấu cháo.

Ngoài ra còn có một số hộp sữa, hộp tinh thể cam, chanh… là chiến lợi phẩm đoạt được của địch để bồi dưỡng thêm cho thương binh. Đội Điều trị Đại đoàn 316 được tăng cường thêm 200 dân công hỏa tuyến, triển khai thành 3 bộ phận: Bộ phận tiền phương tiến lên thay vào vị trí của Đội quân y Trung đoàn 98 bên trục giao thông hào chính do Đội trưởng Đội Điều trị Phạm Văn Phúc trực tiếp chỉ huy, cấp cứu những thương binh có vết thương đe dọa đến tính mạng.

Bộ phận trung tuyến do Đội phó phụ trách cứu chữa hầu hết thương binh, điều trị ổn định và chuyến về tuyến sau. Bộ phận điều trị thương binh, bệnh binh nhẹ (còn gọi là khinh thương-khinh bệnh) do y sĩ Nguyễn Xuân Phách và Trần Thị Minh Châu cùng một cán bộ chính trị đảm nhiệm, nuôi dưỡng, điều trị, động viên tinh thần, nhanh chóng phục hồi, bổ sung quân số cho chiến đấu”.

Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Đọc báo cho thương binh ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Tụ, căng thẳng nhất là vào những ngày đêm đánh đồi A1 không thành công. Chỉ tính riêng đêm 30 sang ngày 31-3, bộ phận tiền phương phải tiếp nhận hơn 1.000 thương binh. Bấy giờ, vị trí triển khai thu dung là cơ sở cũ của quân y Trung đoàn 98 chỉ đủ cho gần 100 người và đi chung đường hào vào, ra gây tình trạng khi thương binh về hàng loạt thì ùn ứ ngay tại đường giao thông hào trục chính. Thương binh xử trí xong không có đường ra đưa về tuyến sau, trong khi nhiều đồng chí bị thương nặng cần cấp cứu không được xử trí kịp thời đã tử vong ngay tại nơi ùn ứ. Trước tình hình đó, ông đã báo cáo chỉ huy Phòng Quân y Đại đoàn và xin xuống kiểm tra, tăng cường để cùng các đồng chí trong Đội điều trị giải quyết.

Sau khi trao đổi với Đội trưởng Đội Điều trị Phạm Văn Phúc, đồng chí Nguyễn Tụ ra tăng cường ngay cùng Tổ Phân loại làm nhiệm vụ. Căn cứ tình hình thực tế, ông quyết định phương án trước hết đưa tất cả thương binh nhẹ có thể đi bộ theo một tải thương hoặc dân công hỏa tuyến hướng dẫn đi thẳng về khu điều trị khinh thương-khinh bệnh. Với những thương binh có thể trì hoãn cứu chữa thì đưa về bộ phận trung tuyến; đưa ngay thương binh nặng cần xử trí cấp cứu vào các hầm mổ, chống choáng...

Cùng với đó, ông xin cấp trên bổ sung lực lượng đào nhanh một đoạn giao thông hào từ các hầm ở các tuyến nối ra giao thông hào trục chính để thương binh xử trí xong chuyển về sau có lối ra riêng.

“Như vậy việc phân luồng thương binh vào ra thông suốt, anh Phúc cùng những anh em các hầm cấp cứu khác phải liên tục mổ, xử trí suốt 5 ngày đêm mới tạm thời ổn định. Phải nói rằng, cho đến tận bây giờ tôi vẫn rất khâm phục tâm huyết, tinh thần làm việc của anh Phạm Văn Phúc. Anh thuộc lớp sinh viên tham gia phục vụ quân đội từ ngày đầu kháng chiến, là học trò "cưng" của thầy Tôn Thất Tùng nên có trình độ xử trí ngoại khoa khá toàn diện. Sau những lúng túng, bộn bề lần đầu tiên tiếp nhận cùng lúc hàng nghìn thương, bệnh binh, khi bình tâm lại, anh nói với tôi "Chiến tranh khốc liệt quá, lần đầu tiên triển khai cơ sở dưới hầm, dù chuyên môn kỹ thuật có giỏi đến mấy, thương, bệnh binh về ồ ạt như thế mà không biết sắp xếp, bố trí, phân công, phân nhiệm tỉ mỉ, hợp lý... thì cũng không cứu chữa được kịp thời đâu. Đây là bài học thật đắt giá, sau này phải tổng kết lấy!” - Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ (thứ hai, từ trái sang) trong buổi gặp mặt chiến sĩ quân y Mặt trận B3-Tây Nguyên, năm 2023.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ (thứ hai, từ trái sang) trong buổi gặp mặt chiến sĩ quân y Mặt trận B3-Tây Nguyên, năm 2023.

Ghi nhớ lời dặn ấy của đồng đội, sau này trên các cương vị công tác của mình, Thiếu tướng Nguyễn Tụ luôn chú trọng đến công tác tổ chức lực lượng, bố trí phân luồng, phân tuyến bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đặc biệt khi kết thúc nhiệm vụ, ông đều chủ động đề xuất và tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm để bổ khuyết, bồi dưỡng cho thế hệ kế cận.

Đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau ngày toàn thắng, ông bảo còn vô vàn công việc phải làm. Riêng về quân y, do chính sách nhân đạo chúng ta để lại một số cơ sở điều trị, vệ sinh phòng dịch. Đồng thời tổ chức đưa gần 1.500 tù, hàng binh địch bị thương dưới những căn hầm hôi thối bẩn thỉu lên mặt đất, cứu chữa cho chúng để trao trả; rồi còn tẩy uế chiến trường.

Ông nhớ rõ, đơn vị ông đã tham gia chôn lấp khoảng 100 xác chết, hàng nghìn kilogam chất thải, rác nguy hiểm với vài trăm điểm phải chôn lấp... “Với những việc làm trên của ta, tên tù binh quan tư người Pháp tên P.Grauwin đã phải thốt lên: "Tôi không biết nói gì hơn ngoài những lời cảm phục. Xin thay mặt cho những tù binh bị thương, tôi tỏ lòng biết ơn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng và nhân đạo”.

"Cho đến bây giờ, nhớ lại những ngày tháng gian khổ nơi núi rừng Điện Biên cách đây 7 thập kỷ, tôi vẫn thấy tự hào vì được có mặt và góp phần nhỏ bé vào chiến thắng lịch sử. Ở đó, tôi có nhiều trải nghiệm và bài học ý nghĩa trong thực hiện công tác chuyên môn. Sau này, tôi đã nêu rất rõ trong công trình “Nghiên cứu tổng kết công tác bảo đảm quân y trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 2000, công trình được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-Công nghệ”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết.

PHƯƠNG NINH – BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-nguyen-tu-va-chuyen-linh-quan-y-o-dien-bien-phu-775559