Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Tìm nạn nhân ở Myanmar như tìm người thân của mình

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, việc tìm người trong đống đổ nát tại Myanmar được thực hiện với tinh thần 'chính là tìm người thân của chúng ta và coi đó như dân tộc mình, đất nước mình'.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Quân đội Việt Nam đã không ít lần cử cán bộ, chiến sĩ thực hiện sứ mệnh cao cả, trợ giúp nhân dân các nước, bạn bè quốc tế.

Trận động đất ở Myanmar cách đây 4 ngày đã trở thành thảm họa với đất nước đang xảy ra những tranh chấp, xung đột. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cử lực lượng, phương tiện, vật chất đến để ứng cứu, hỗ trợ.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra, động viên các lực lượng trước khi lên đường.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra, động viên các lực lượng trước khi lên đường.

Với nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, mỗi phút giây đều mang ý nghĩa sinh tử, Việt Nam cũng lập tức cử 100 cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an sang hỗ trợ tìm kiếm, khắc phục hậu quả.

Chỉ trong chưa đầy một ngày, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đội cứu hộ, cứu nạn của Quân đội được tập hợp để lên đường. 80 cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong Quân đội nhưng đều quyết tâm và cảm thấy tự hào khi thực hiện nghĩa vụ cao cả.

Trung tá Lại Bá Thành

Trung tá Lại Bá Thành

Lực lượng Quân y gồm 30 thành viên với nhiệm vụ chính là tìm kiếm cứu nạn, sơ cứu bước đầu và vận chuyển nạn nhân tử vong.

Trung tá Lại Bá Thành (bác sĩ khoa gan mật tụy, Bệnh viện 103, Học viện Quân y) chia sẻ đây là lần thứ hai, Quân y thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, sau lần cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

"Lúc 15h ngày 29/3, ngay sau khi nhận chỉ đạo từ cấp trên, Đội Quân y nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị. Lần này có phần đặc biệt hơn so với nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ như thời điểm nhận nhiệm vụ sớm hơn, nguy hiểm hơn. Tuy cùng trong khối ASEAN nhưng địa hình, thời tiết tại Myanmar khác so với Việt Nam. Ngoài ra, tình hình chính trị cũng phức tạp" - Trung tá Lại Bá Thành cho biết.

Những người lính Quân y như Trung tá Thành mang trên vai 2 trọng trách: vừa chăm lo sức khỏe vừa hoàn thành nhiệm vụ Quân đội. Ngoài thành thục kỹ năng sống của bản thân và cứu trợ bệnh nhân, các chiến sĩ Quân y cũng phải am hiểu kỹ năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với các lực lượng khác.

Trung tá Trần Trung Dũng

Trung tá Trần Trung Dũng

Còn với lực lượng Công binh, Trung tá Trần Trung Dũng - Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh - cho biết ngay sau khi thảm họa xảy ra gây hậu quả nặng nề, dự báo nước bạn sẽ cần sự trợ giúp nên Công binh Việt Nam xác định từ sớm tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Tất cả 30 chiến sĩ Công binh được lựa chọn là những quân nhân có trình độ chuyên môn cao, sức khỏe tốt và nhiều người trong số họ có khả năng sử dụng tiếng Anh để dễ dàng trao đổi, phối hợp quốc tế. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã có kinh nghiệm thực tế tham gia các chiến dịch cứu hộ, cứu nạn, có người đã từng thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

"Các đồng chí tham gia thực hiện nhiệm vụ đợt này có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực chuyên môn giỏi và sử dụng thành thạo từ 2-3 trang bị. Đội Công binh từng thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng trực tiếp đến đơn vị để trao đổi thêm kinh nghiệm..." - Trung tá Trần Trung Dũng nói.

Công binh Việt Nam được trang bị những thiết bị cầm tay nhỏ gọn, có khả năng phát hiện rất cao, như máy soi chiếu có thể tìm kiếm nạn nhân cách xa 15m, cách bức tường 10cm...

4 lực lượng hiệp đồng cứu hộ

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ là người có kinh nghiệm cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm vai trò Tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng. Chia sẻ trước giờ xuất phát, ông khẳng định "bằng mọi biện pháp và kinh nghiệm phải tìm kiếm được nhiều nạn nhân, đặc biệt là những người còn sống sót".

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ

Ông bày tỏ "Đây là thảm họa hết sức đau thương của nước bạn. Mỗi thành viên trong đoàn cứu hộ, cứu nạn xác định sang Myanmar thực hiện nhiệm vụ là sứ mệnh cao cả, tìm những người trong đống đổ nát như tìm chính người thân của mình, và coi đó như dân tộc mình, đất nước mình".

Về những khó khăn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nhận định đó là rào cản về ngôn ngữ. Đồng thời, hiện trường tại Myanmar chưa có khảo sát để đánh giá, kết luận. Đặc biệt, dư chấn sau động đất có thể tiếp tục xảy ra.

Ông nhấn mạnh quan điểm lực lượng cứu hộ, cứu nạn "không phải chỉ đứng ngoài quan sát mà sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy có thể đến".

Bộ phận chỉ huy, điều hành sẽ chỉ đạo toàn bộ công tác tìm kiếm. Đội chó nghiệp vụ là lực lượng quan trọng để tìm kiếm nạn nhân còn sống và các thi thể.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến động viên các lực lượng Quân đội, Công an.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến động viên các lực lượng Quân đội, Công an.

Từ đây, lực lượng Công binh sẽ sử dụng trang thiết bị chuyên dụng như radar xuyên tường để xác định chính xác vị trí nạn nhân.

Sau khi đưa nạn nhân ra ngoài thì đội cấp cứu dã chiến do các chiến sĩ Quân y đảm nhiệm sẽ thu dung, cấp cứu và điều trị. Quân y có đầy đủ trình độ về nội và ngoại khoa xử lý được tất cả tình huống cấp cứu.

Nêu kinh nghiệm từ lần cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết khi lực lượng cứu hộ các nước bị thương tích cũng được Quân y của ta hỗ trợ điều trị ban đầu, cấp thuốc miễn phí.

Trực tiếp tiễn cán bộ, chiến sĩ ở chân cầu thang máy bay, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết Myanmar đang chờ đợi lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đến hỗ trợ. Từng cá nhân thuộc lực lượng cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã quán triệt, triển khai làm tốt công tác chuẩn bị với quyết tâm cao.

Trần Thường

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thieu-tuong-pham-van-ty-tim-nan-nhan-o-myanmar-nhu-tim-nguoi-than-cua-minh-2385933.html