Thiếu tướng Triệu Văn Ngô - Một tấm gương son sắt
Tháng Tư lại về trong không khí hân hoan của cả nước kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4). Với Thiếu tướng Triệu Văn Ngô, đây không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc mà còn là khoảnh khắc xúc động, gợi nhớ về những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với chiến trường khốc liệt và hào hùng.

Thiếu tướng Triệu Văn Ngô thăm lại chiến trường xưa - Sân bay Thành Sơn.
11 năm chiến đấu nơi tuyến lửa
Trước khi lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thiếu tướng Triệu Văn Ngô đã dành thời gian kể lại hành trình chiến đấu kéo dài 11 năm của mình. Mắt ông rưng rưng, giọng trầm lắng khi nhớ về năm 1971: Thời điểm đang học cấp 3 thì gia đình ông nhận tin hai người anh trai hy sinh ngoài mặt trận. Cú sốc ấy biến đau thương thành ý chí, thôi thúc ông lên đường nhập ngũ tháng 8/1972, chính thức bước vào con đường quân ngũ trong biên chế Đại đội 1 T7, Quân khu Việt Bắc.
Tháng 01/1973, đơn vị ông bắt đầu hành quân vào Nam, vượt qua nhiều cung đường hiểm trở, từ Lưu Xá – Gia Lâm, qua Thanh Hóa, Hà Tĩnh, đất Lào đến cửa khẩu Bờ Y, rồi về Mặt trận B3 Tây Nguyên. Hành trình ấy gắn liền với đói khát, hiểm nguy, nhưng người lính trẻ vẫn bước đi với ba lô 14kg gạo, một khẩu AK, đạn, lựu đạn và niềm tin chiến thắng.
Tham gia nhiều chiến dịch ác liệt, ông cùng đồng đội từng đánh cắt giao thông trên Quốc lộ 21, giải phóng Khánh Dương, Ninh Hòa, Nha Trang… Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, đơn vị của ông tiến đến rừng dừa Mỹ Thanh (Cam Ranh), rồi vượt đèo Bác Ái, đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Phan Rang – Tháp Chàm).
Ký ức khói lửa không phai

Thiếu tướng Triệu Văn Ngô tại chương trình giao lưu, nói chuyện truyền thống cách mạng tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Bắc Kạn.
Nhắc đến trận đánh sân bay Thành Sơn, ông gọi đó là ký ức “chết đi sống lại”. Đêm 13/4/1975, đơn vị ông ém quân ngay sát hàng rào sân bay, nhưng do thay đổi kế hoạch, đến sáng hôm sau mới xảy ra đụng độ. Khi quân ta chủ động nổ súng, địch phản kích quyết liệt bằng pháo, máy bay, khiến chiến sĩ ta thương vong lớn. Ông bị cho là đã hy sinh và được đặt cạnh các đồng đội tử trận.
Tuy nhiên, đến 02 giờ sáng hôm sau, ông tỉnh dậy, nhận ra mình vẫn sống, xung quanh toàn máu và khói đạn. Một mình tìm lại đơn vị, ông may mắn gặp được đồng đội. Những ký ức ấy theo ông suốt đời, là minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần thép của người lính.
Kiên cường nơi chiến trường, tận tụy nơi hậu phương
Sau chiến tranh, Thiếu tướng Triệu Văn Ngô tiếp tục con đường quân ngũ. Tốt nghiệp Học viện Quốc phòng năm 1999, ông công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chợ Mới, sau đó giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chợ Mới, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1… Dù ở vị trí nào, ông cũng luôn tận tụy, trách nhiệm và gương mẫu.

Thiếu tướng Triệu Văn Ngô (thứ ba từ trái sang phải) và đồng đội chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập.
Từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2024, ông giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Trong vai trò mới, ông tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, động viên, gắn kết hội viên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng quê hương.
Với những cống hiến to lớn trong chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Triệu Văn Ngô đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tấm gương kiên cường, lòng trung thành sắt son của Thiếu tướng Triệu Văn Ngô vẫn luôn là niềm tự hào của lực lượng vũ trang, là bài học quý cho thế hệ trẻ hôm nay trong hành trình gìn giữ, phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thieu-tuong-trieu-van-ngo-mot-tam-guong-son-sat-post70528.html