Thiếu vaccine 5 trong 1: Do không có nhà thầu tham gia
Như đã thông tin, ở thời điểm hiện tại các địa phương trên cả nước đều rơi vào tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1, đồng thời, những loại vaccine còn lại trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng đang dần cạn kiệt. Để lý giải về nguyên nhân và những biện pháp khắc phục tình trạng này, ngày 1/6, Bộ Y tế đã có những trả lời chính thức.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các vaccine sử dụng trong Chương trình TCMR được sản xuất trong nước, bao gồm: Phòng bệnh lao (BCG), uốn ván, bạch hầu - uốn ván (Td), DPT, viêm gan B, viêm não Nhật bản; vaccine bại liệt uống (bOPV), sởi; sởi - rubella.
Chỉ có 2 loại vaccine nhập khẩu từ nước ngoài là vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vaccine bại liệt tiêm (IPV).
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vaccine đã bị ảnh hưởng dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vaccine cục bộ tại một số địa phương.
Theo Bộ Y tế, đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, riêng vaccine viêm gan B, vaccine phòng Lao sử dụng đến tháng 8/2023 và vaccine viêm não Nhật Bản có thể sử dụng đến hết tháng 9/2023, vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7/2023; vaccine uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm nay.
Trong đó, đối với thực trạng vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023, Bộ Y tế cho rằng, do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine theo quy định, tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia.
Đối với 9 loại vaccine sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Như vậy, Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vaccine sản xuất trong nước, ngay cả khi Bộ được bố trí ngân sách trung ương.
Về cơ chế mua theo phương thức đặt hàng, theo quy định, UBND tỉnh quy định “giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi nhiệm vụ mua vaccine được chuyển về địa phương, thì thẩm quyền đặt hàng của địa phương là phù hợp với các quy định.
Theo quy định này, trường hợp không được bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine sẽ có vướng mắc. Cụ thể, Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng. Bộ Y tế đặt hàng 9 loại vaccine sản xuất trong nước. Từ năm 2022 trở về trước, do Bộ Y tế được giao kinh phí ngân sách Trung ương nên có thẩm quyền đặt hàng.
Bộ Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt giá khi Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Tài chính không phê duyệt đơn giá đặt hàng khi thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương, chỉ phê duyệt đơn giá khi đặt hàng, thanh toán bằng nguồn ngân sách trung ương.
Bộ Y tế cho rằng, đối với vaccine sản xuất trong nước, nếu giao cho Bộ Y tế mua thì không thể thực hiện đấu thầu. Do đó, trường hợp mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương cần đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Sau đó, Bộ Y tế tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Để thực hiện phương thức này, theo Bộ Y tế cần phải thực hiện một trong 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là sửa đổi, bổ sung thành Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
Đối với phương án 2, Bộ Y tế đề nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vaccine sản xuất trong nước trong chương trình TCMR.
Đối với vaccine nhập khẩu (trừ Rota), Bộ Y tế cho rằng, sử dụng nguồn viện trợ hoặc đấu thầu tập trung theo quy định hiện hành và không có vướng mắc.
Đối với 10 loại vaccine sản xuất trong nước (trong đó có Rota sản xuất trong nước), Bộ Y tế đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng.
Để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình TCMR từ nguồn ngân sách địa phương. Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình TCMR từ năm 2024.