Thiếu văn bản quy phạm pháp luật để xử lý vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu
Ngày 31-3, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035' đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì buổi làm việc. Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex; đại diện Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng đề án; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương và Petrolimex.
Theo đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 75%, đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, Petrolimex giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần khoảng 45% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước. Từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh, Petrolimex luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung ứng xăng dầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao, lợi nhuận hằng năm chưa đạt được mức mong muốn, thậm chí có năm lợi nhuận kinh doanh xăng dầu âm (do ảnh hưởng của dịch Covid-19), dẫn đến không chủ động nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật mang tính đột phá để xử lý căn cơ một số vấn đề tồn tại trong kinh doanh xăng dầu, cơ chế chính sách về thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, nhất là đối với các dự án có vốn nhà nước, chưa có chính sách để giá cả thực sự được vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường. Vấn đề về dự trữ dầu thô, xăng dầu cũng còn nhiều bất cập. Về quy hoạch hệ thống, quản lý chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại, chính sách hỗ trợ ngư dân còn nhiều tồn tại...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc bảo đảm nhu cầu về năng lượng, trong đó có dầu khí để duy trì tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng. Ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035.
Trong các văn bản này đã xác định rõ vai trò quan trọng, chủ đạo của Petrolimex trong việc bảo đảm cung ứng ổn định nguồn xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân, tập trung trong 3 lĩnh vực chính: Chế biến dầu khí; tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí và dịch vụ dầu khí.
Qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, trên cơ sở đánh giá, phân tích điều kiện thực tiễn hiện nay, một số thuận lợi, cơ hội, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, trình Bộ Chính trị trong quý II-2023.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, cần thiết phải có nghị quyết mới của Bộ Chính trị để định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí, trong đó có định hướng chiến lược mới cho phát triển Petrolimex. Đồng chí Trần Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Petrolimex về định hướng để tạo thuận lợi cho các tập đoàn thuộc lĩnh vực dầu khí tham gia nghiên cứu phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo, thân thiện môi trường và phát triển bền vững.