Thiếu vắng cơ chế hỗ trợ truyền thông cho phim nhà nước đặt hàng

Bộ phim do Nhà nước đặt hàng 'Đào, phở và piano' với kinh phí 21 tỷ đồng của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã trở thành hiện tượng của làng phim Việt, dù 'âm thầm' ra rạp với 3 suất chiếu mỗi ngày vào đúng kỳ phim Tết. Nhận được sự quan tâm đột biến, nhưng bộ phim cũng có thể đã rơi vào tình cảnh lãng quên, vì không được truyền thông bài bản.

Có lẽ, “Đào, phở và piano” sẽ cứ thế trôi qua mà không gặp được khán giả của mình, trở thành một tác phẩm bị “đắp chiếu”, nếu không có hiệu ứng trên mạng xã hội từ chính những khán giả có tầm ảnh hưởng. Ngay đến cả chủ cụm rạp Beta cinema cũng quyết định xin chiếu bộ phim này phi lợi nhuận sau khi biết đến bộ phim qua mạng xã hội, và biết bộ phim được nhiều người yêu thích.

Trái ngược với sức nóng của “ Đào, Phở và Piano”, một bộ phim khác cũng do nhà nước đặt hàng là “ Hồng Hà nữ sĩ “ của đạo diễn Nguyễn Đức Việt kể về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, ra rạp cùng thời điểm phim “ Đào,Phở và Piano” lại chịu cảnh đìu hiu. Sau hơn 3 tuần ra rạp, "Hồng Hà nữ sĩ" vẫn chỉ có 3 suất chiếu/ngày nhưng không suất nào lấp đầy ghế. Mặc dù cũng được khán giả đánh giá tốt về nội dung phim, nhưng đa phần ai cũng cảm thấy tiếc nuối vì bộ phim không được truyền thông nhiều nên ít người biết đến.

Trở ngại lớn nhất của phim nhà nước nói chung cho việc tạo nên những kịch bản truyền thông, đưa thông tin về phim đến với nhiều khán giả hơn là do phim nhà nước đặt hàng không có kinh phí cho công tác này, hoặc nếu có thì cũng rất ít ỏi, không thấm vào đâu.

Ngoài “Đào, phở và piano” thì một bộ phim cũng đang làm mưa, làm gió tại các phòng vé mùa Tết là “Mai” của đạo diễn Trấn Thành. “Mai” sau hơn nửa tháng công chiếu đã phá vỡ mọi kỷ lục về doanh số của phim Việt. Khoan bàn đến chất lượng hay, dở nhưng khi đặt lên bàn cân, dù không phải là một chuyên gia thì khán giả cũng có thể dễ dàng thấy sự chênh lệch trong việc truyền thông, quảng bá giữa phim nhà nước và tư nhân.

Vẫn biết phim nhà nước đặt hàng không hướng đến mục đích thương mại. Thế nhưng sự đón nhận của khán giả chính là sự thành công của một tác phẩm điện ảnh và điều này thể hiện qua doanh thu phòng vé. Có lẽ đã đến lúc những cơ quan quản lí nhà nước cần có những thay đổi cho phù hợp với cơ chế thị trường, để phim nhà nước đặt hàng đến được gần hơn với công chúng yêu điện ảnh, chứ không phải sản xuất xong rồi cất kho như trước đây.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hương Quỳnh - Công Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thieu-vang-co-che-ho-tro-truyen-thong-cho-phim-nha-nuoc-dat-hang-213023.htm