Thiếu vật tư y tế, hóa chất, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tháo gỡ

Ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết hệ thống pháp luật quy định về mua sắm tương đối đầy đủ nhưng chưa đồng bộ, thống nhất và quy định cụ thể dẫn đến còn vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện. Bộ đã có báo cáo và đề xuất Chính phủ hàng loạt giải pháp tháo gỡ trước thực trạng thiếu hóa chất, thiết bị và vật tư y tế.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong tháng 2/2023 với các nội dung: Tăng cường cấp phép, gia hạn giấy phép nhập khẩu; chuyển phương thức quản lý giá theo nguyên tắc tôn trọng thị trường, quyền tự định giá của doanh nghiệp, niêm yết giá và kê khai theo pháp luật về giá, tăng cường công khai, minh bạch và thanh tra, kiểm tra; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các hồ sơ và thông tin về thiết bị y tế gắn liền với thường xuyên hậu kiểm liên ngành; tiếp tục nghiên cứu, góp ý hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi) trong đó có các nội dung phù hợp với quản lý thiết bị y tế.

Về quản lý giá trang thiết bị y tế: Bỏ quy định về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá, thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất các các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.

Đối với đăng ký lưu hành trang thiết bị: Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023. Sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.

Về quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất: Sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.

Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, nghị định 51/2017/NĐ-CP.

Báo cáo về khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định “cứng” trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID19). "Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu", báo cáo Bộ Y tế nêu.

Bộ Y tế nhận định khó nhất hiện nay là bộ không biết tham khảo thông tin xây dựng giá gói thầu mua sắm thiết bị y tế thế nào là đúng. Đặc biệt là quy định phải tham khảo 3 báo giá nhưng trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thieu-vat-tu-y-te-hoa-chat-bo-y-te-kien-nghi-chinh-phu-thao-go-post1512787.tpo