Thiếu vốn đổi mới công nghệ: Chọn món thay vì cả thực đơn

Đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đồng nghĩa với việc DN sẽ tạo được vị thế bền vững trên thị trường.

Đổi mới công nghệ tạo thế mạnh phát triển cho doanh nghiệp

Đổi mới công nghệ tạo thế mạnh phát triển cho doanh nghiệp

Theo nhận định của Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, trong môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững. Thực tế này đặt ra những yêu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, sự tồn tại và phát triển của DN. Mục đích của việc đổi mới thiết bị công nghệ trong DN là thay thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công nghệ cũ bằng những công nghệ mới, tiên tiến, ưu việt hơn, có khả năng tạo ra những sản phẩm cạnh tranh cao trên thị trường.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ có 23% số DN được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; cơ chế tài chính hỗ trợ cho DN vay vốn, bảo lãnh vốn vay và các hỗ trợ khác để DN đổi mới công nghệ chưa thông thoáng... Khảo sát này cũng cho thấy, các tổ chức làm nhiệm vụ môi giới và dịch vụ trong thị trường công nghệ để kết nối giữa nguồn cung - cầu công nghệ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, những thống kê gần đây còn cho thấy, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ của Việt Nam hiện chỉ ở mức 10% (thấp hơn nhiều so với con số trung bình 40% của các nước đang phát triển). Kết quả này phần nào phản ánh tình trạng chậm đổi mới công nghệ của DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính yếu. Sự yếu kém trong cải tiến công nghệ của DN vừa và nhỏ bắt nguồn từ các yếu tố chi phối đến khả năng đổi mới của DN như quy mô nguồn lực của DN, cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo...

Ông Đỗ Đức Hậu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology - cho rằng, trước tốc độ phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu các DN không có sự đầu tư, chính sách đổi mới công nghệ, có thể sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, để triển khai công nghệ mới, DN Việt Nam gặp rất nhiều vướng mắc về năng lực tài chính và hạ tầng sản xuất, vì vậy, rất cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ. "Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) có thể hỗ trợ 30 - 40% chi phí liên quan đến việc đổi mới công nghệ - một trong những chính sách tạo điều kiện tốt để DN Việt Nam có cơ hội nâng cấp công nghệ sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh"- ông Đỗ Đức Hậu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi thực hiện hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ, DN cần tiến hành điều tra, nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật cũng như mức độ tối tân của công nghệ sắp đầu tư. Việc điều tra, nghiên cứu này sẽ giúp DN tránh những công nghệ lạc hậu làm giảm sút hiệu quả của hoạt động đầu tư. Đồng thời, nếu thiếu vốn đầu tư, DN nên thực hiện giải pháp tình thế là đổi mới có trọng điểm, chỉ đổi mới những công nghệ chủ chốt mang tính "sống còn" đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; tránh đầu tư dàn trải, tràn lan...

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, yếu tố về công nghệ được xếp hàng thứ 5 về tầm quan trọng, sau các yếu tố: Thị trường, nguồn tài chính, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-von-doi-moi-cong-nghe-chon-mon-thay-vi-ca-thuc-don-131106.html