Thiếu vốn, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành về đích chậm
Khởi công từ ngày 19-7-2014, kế hoạch hoàn thành trong năm nay, song đến thời điểm này dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang còn nhiều vướng mắc.
Nhiều đoạn chậm tiến độ
Báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đoạn vốn ADB phía Tây (Gói thầu A1 - A4) hiện còn 18/2.059 hộ (tập trung tại H.Bình Chánh, TPHCM) chưa giải quyết xong. Việc này gây ảnh hưởng đến việc thi công của các Gói A1 và A2-2.
Đoạn vốn ADB phía Đông (Gói thầu A5 - A7), dù đã bàn giao mặt bằng 97% diện tích, nhưng vẫn còn vướng 39/1.223 hộ. Trong số này, gói thầu A5 vướng 3 hộ đang tranh chấp quyền sử dụng đất (trong đó tòa án đang thụ lý 2 trường hợp, 1 trường hợp đã xử xong).
Gói thầu A6 vướng 5 hộ, nhưng địa phương đã vận động và các hộ này đồng ý bàn giao từ tháng 12-2019, sau khi thu hoạch thủy sản. Ở gói thầu A7, số hộ còn vướng là 31; trong đó 22 hộ đã nhận tiền, nhưng chưa bàn giao do mới nhận nền tái định cư, chờ xây lại nhà. Các hộ mặt tiền QL51 này đã được bố trí mua thêm 1 xuất tái định cư và 9 trường hợp chưa nhận tiền, do khiếu nại về đơn giá đất. Riêng đoạn vốn JICA (gói thầu J1, J2 và J3), ông Thể cho biết, đã hoàn thành GPMB.
Đánh giá về tình hình thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, tiến độ dự án chậm gần 18% so với kế hoạch. Sản lượng toàn dự án đạt được 10.677 tỷ đồng/13.624 tỷ đồng. Trong số này, đoạn vốn ADB phía Tây thực hiện được hơn 87% (chậm gần 13%); đoạn vốn JICA tiến độ thực hiện được hơn 84,5% (chậm gần 15,5%); đoạn vốn ADB phía Đông tiến độ thực hiện được 36% (chậm 32%).
Đáng chú ý, các gói thầu vốn vay ADB có nguy cơ không hoàn thành dự án trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung của dự án vào ngày 14-12-2020, khi đó sẽ không có kinh phí để thi công khối lượng còn lại.
Chờ... vốn!
Nêu khó khăn, vướng mắc của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ tháng 1-2019, dự án chưa được giao vốn. Cụ thể, vốn nước ngoài (vốn JICA) chưa được giao do vướng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội: "Giao Chính phủ chưa phân bổ vốn nước ngoài cho VEC". Nhu cầu vốn đăng ký để thực hiện năm 2019, 2020 cho dự án, theo ông Thể là 1.584 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đối ứng cũng chưa được giao, do vướng Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công.
Hiện Chính phủ đã có Nghị quyết số 50/2019/NQ-CP chỉ đạo tháo gỡ. Song do dự án của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không thuộc đối tượng được tháo gỡ, nên hiện nay chưa có vốn cho GPMB (phần còn lại khoảng 92 tỷ đồng). Còn về vốn vay của ADB (VEC vay lại), do Hiệp định vay ADB lần 1 số 2730-VIE kết thúc ngày 30-6-2019, nên theo ông Thể, cần điều chỉnh hiệp định vay mới đủ điều kiện để tiếp tục giải ngân.
Ngoài ra, cần điều chỉnh dự án đầu tư do bổ sung một số hạng mục công trình theo đề nghị của địa phương (bổ sung cầu vượt, hầm chui, đường gom...) và điều chỉnh thiết kế một số hạng mục để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án.
Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bàn bạc, phối hợp tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng sau đó đã giao các Phó thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), Bộ Tài chính giải quyết các nội dung liên quan. Bộ KHĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết về xử lý vướng mắc đối với các dự án của doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Dù vậy, dự án vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. Hiệp định vay số 3391-VIE chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc, nên việc hoàn tất các thủ tục để gia hạn cần phải rất khẩn trương. Trong khi đó, theo yêu cầu của ADB, việc gia hạn Hiệp định vay ADB lần 2 số 3391-VIE chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ (đại diện là Bộ Tài chính) có Công thư chính thức đề xuất ADB gia hạn trước ngày 31-5-2020 (30 ngày trước ngày đóng Hiệp định vay).